Sáng 19/7, tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các địa phương cần có những biện pháp cấp bách phòng chống sốt xuất huyết, giảm số ca mắc, hạn chế tử vong.
Các địa phương đang là điểm nóng của dịch là Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Phú Yên, TP HCM, Thừa Thiên - Huế...
Tính tỷ lệ số ca bệnh trên 100.000 dân thì Khánh Hòa có nhiều người bệnh nhất, tiếp theo là Đà Nẵng, TP HCM, Bình Định, Phú Yên, Bình Duong, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đồng Nai.
Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh đang là cao điểm mùa dịch, số bệnh nhân liên tục tăng cao và có thể bùng phát trên diện rộng.

Cán bộ y tế Đồng Nai phun thuốc diệt lăng quăng, muỗi tại nhà dân ở TP Biên Hoà. Ảnh: Phước Tuấn
Để chủ động phòng chống, không cho dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ trưởng Tiến đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy, duy trì một tuần một lần tại các vùng có nguy cơ cao; hai tuần một lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng, bọ gậy cao và một tháng một lần tại các khu vực còn lại.
Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, tránh tình trạng bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế quá tải bệnh viện.
Ngành y tế tăng cường giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết, tổ chức phun hóa chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, không để dịch bùng phát, lan rộng. Xử lý nghiêm các hộ gia đình vi phạm trong vệ sinh môi trường để phát sinh loăng quăng, bọ gậy.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga.
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự điều trị tại nhà.