Các nhà khoa học khai quật bộ xương thằn lằn cổ dài ở Nam Cực. Video: YouTube.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy bộ xương quái vật biển 150 triệu năm tuổi từ kỷ Jura ở Nam Cực, International Business Times hôm 23/12 đưa tin. Sinh vật tiền sử này thuộc loài thằn lằn cổ dài hay còn gọi là xà đầu long (plesiosaur), được cho là rất giống quái vật hồ Loch Ness ở Scotland. Đây là con thằn lằn cổ dài đầu tiên được tìm thấy trong khu vực và cũng là sinh vật cổ nhất từng được phát hiện ở Nam Cực.
Con quái vật biển 4 vây có thân hình khổng lồ và chiếc cổ dài uốn cong. Loài thằn lằn cổ dài từng sinh sống phổ biến trong các đại dương trên Trái Đất ở thời kỳ Nam Cực vẫn còn là một phần của lục địa Gondwana.
"Phát hiện này vô cùng đặc biệt, bởi chúng tôi không nghĩ các loại đá ở khu vực giúp bảo tồn xương cốt, như cột sống của bò sát biển. Tại khu vực khai quật, bạn có thể tìm thấy nhiều sinh vật đa dạng như cá, vỏ ốc hóa đá, động vật hai mảnh vỏ, nhưng chúng tôi không ngờ sẽ tìm thấy một con thằn lằn cổ dài cổ đại", Soledad Cavalli, nhà cổ sinh vật học ở Hội đồng nghiên cứu kỹ thuật và khoa học quốc gia Argentina, chia sẻ.
Các nhà khoa học phải trải qua chuyến bay hai tiếng bằng trực thăng từ trạm Marambio ở Argentina đến Nam Cực để di chuyển đến rìa lục địa đóng băng. Tại đây, họ tìm thấy bộ xương thằn lằn cổ dài dài khoảng 12 m. "Thật thú vị khi tới đó, nơi chưa có ai đặt chân tới trong 23 năm qua", nhà cổ sinh vật học José Patricio O'Gorman, một thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
"Đó là nơi xa nhất chúng tôi từng đến trong các đợt khảo sát cổ sinh vật học có xương sống ở Nam Cực. Các đợt khảo sát ở Argentina thường được tiến hành gần trạm Marambio (ở quần đảo Marambio, James Ross và Vega), nhưng chúng tôi đã mở rộng phạm vi làm việc và rất hứng khởi trong việc đi tới những nơi xa hơn", Cavalli cho biết.
Theo Cavalli, mẫu vật được bảo quản tốt tới mức đáng kinh ngạc bởi đáy biển, nơi chôn xác sinh vật cổ đại, hầu như không có oxy để các tổ chức sinh vật khác có thể tồn tại. Điều kiện này giúp mẫu vật khỏi bị phá hủy bởi động vật biển, đồng thời đảm bảo quá trình thối rữa không xảy ra.
Thằn lằn cổ dài thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà cổ sinh vật học từ phát hiện đầu tiên vào thế kỷ 18. Dù thằn lằn cổ dài không phải khủng long, hai loài vật cùng sinh sống trên Trái Đất hàng triệu năm trước khi chúng bị thiên thạch lớn xóa sổ khoảng 66 triệu năm trước.
Phương Hoa