Vạn Thủy Tú nằm trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, cách cảng cá Phan Thiết chừng 150 m. Dịp cuối tuần, di tích này thu hút nhiều đoàn du khách đến tham quan.
Sáng 6/3, ông Phạm Văn Thanh (52 tuổi, TP HCM) cùng đoàn 30 người đang nghỉ ở Mũi Né ghé vào vạn. Đoàn chọn di tích này đầu tiên, bởi theo ông Thanh, mọi người muốn hiểu rõ văn hóa miền biển trước khi đi vui chơi giải trí. Nhất là, nơi đây có bộ xương cá voi lớn nhất nước gây tò mò.
Qua 20 phút tham quan và chụp ảnh, những người trong đoàn rất thích thú và cho rằng thật bổ ích khi đến đây. "Kiến trúc xưa quá đẹp, và tôi cũng không ngờ có bộ xương cá voi lớn đến như vậy", chị Lệ Thu, 31 tuổi, đi trong đoàn bày tỏ.
Chị Võ Ngọc Nguyên Châu, người thuyết minh tại khu trưng bày cho biết, truyền thuyết xưa kể rằng vào thế kỷ 18 sau khi xây xong ngôi vạn thì có một cá Ông (cách gọi tôn kính của dân biển đối với loài cá voi) rất lớn lụy, trôi dạt vào bờ trước vạn. Dân làng được huy động hợp sức đưa xác Ông vào.
Vì Ông quá lớn (ước tính dài 22 m, nặng 65 tấn), nên mãi hai ngày sau mới kéo được lên bờ. Ngoài ra, các bô lão phải cho phá dỡ cổng trước của ngôi vạn để đưa xác Ông lọt qua, vào quàn tại khuôn viên để tổ chức lễ an táng.
Theo người thuyết minh, 3 năm sau, khi xác phân hủy, cốt Ông được hốt lên, rửa sạch bằng nước và rượu mạnh, rồi thỉnh vào trong tẩm đằng sau chánh điện của vạn để thờ, hương khói mỗi ngày, được bảo quản nguyên vẹn qua thời gian.
Năm 2003, UBND TP Phan Thiết đã đầu tư ngân sách để các chuyên gia phục chế, lắp ráp lại nguyên trạng bộ xương nhằm trưng bày giới thiệu với công chúng. Năm 2005, Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập đây là bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam.
Theo tài liệu của Phòng Văn hóa – Thông tin TP Phan Thiết (năm 2003, do tác giả Đào Tấn Hỗ, Viện Hải dương học Nha Trang biên soạn), căn cứ vào đặc điểm của bộ cốt hiện hữu, có thể xác định đây là cá Voi lưng xám, tên khoa học là Balaenoptera physalus.
Loài cá này có 63 đốt xương trên cột sống lưu sắp xếp theo thứ tự: 7 đốt cổ, 15 đốt lưng, 14-6 đốt thắt lưng, 25-27 đốt đuôi. Cùng với đó là 15 đôi xương sườn, 2 xương chi.
Xương đầu của bộ cốt đang trưng bày rộng đến 2,4 m. Xương hàm trên (tính từ hộp sọ) dài 3,1 m, nhìn từ trên xuống có dạng hình chữ V. Xương hàm dưới dài 3,8 m. Bảy đốt xương cổ có đôi đầu tiên dính chặt vào nhau.
"Dịp cuối tuần, hàng trăm du khách vào đây, ai cũng tò mò về bộ xương này và hỏi rất nhiều tục thờ cá Ông của người Phan Thiết", chị Châu cho hay.
Ông Huỳnh Giác, 72 tuổi, Trưởng ban quản trị Vạn Thủy Tú cho biết, Đức Thắng là một trong những làng biển lâu đời ở Phan Thiết. Cuối thế kỷ 17, theo chân các chúa Nguyễn mở cõi vào phương Nam, các nhóm lưu dân Đàng ngoài và vùng ngũ Quảng (từ Phú Yên đến Quảng Bình) chọn khu đất gần cửa Phan Thiết làm nơi lập nghiệp.
Năm 1762 (Nhâm Ngọ), khi cuộc sống nơi đất mới ổn định, người dân Đức Thắng góp công, góp của tạo lập nên ngôi vạn thờ cá Ông, đặt tên là vạn Thủy Tú. "Từ xưa, cá Ông thường giúp đỡ ghe thuyền vượt qua hoạn nạn sóng gió, nên cha ông chúng tôi rất tôn kính", ông Giác nói và cho biết dân làng vẫn còn giữ tập tục cho đến ngày nay.
Chánh điện trong vạn có bàn thờ thần Nam Hải, Ngọc lân cự tộc (các vị thần cá Voi) và thủy tổ nghề biển. Phía sau là tẩm thờ lưu giữ hơn 100 bộ xương cốt cá Ông xếp thành từng lớp. Trong đó, hàng chục bộ xương lớn có niên đại trên 200 năm.
Trong khuôn viên của vạn từ xưa có bố trí một khu đất rộng để mai táng xác cá Ông, được gọi là "Ngọc lân Thánh địa" nằm bên trái. Hiện, ở đây có 3 ngôi mộ chưa bốc cốt.
Theo tục lệ, hễ cá Ông lụy, dân làng phải đưa vào bờ tổ chức an táng. Người phát hiện đầu tiên được gọi là "con trưởng" của Ông và để tang như cha. "Sau 3 năm, cốt ông được Thượng lên đưa vào tẩm thờ", ông Giác cho biết.
Trước đây, hầu như xác cá Ông lớn và nhỏ đều được đưa vào chôn cất tại Ngọc lân Thánh địa. Nhưng nay do dân cư đông đúc, để tránh ô nhiễm môi trường, các Ông lớn (kích thước dài hơn 3 m) được chôn cất ở các bãi cát xa khu dân cư.
Hơn 250 năm qua, vạn Thủy Tú vẫn còn duy trì các lễ hội truyền thống, như: tế xuân, hạ nghệ vụ cá Nam, lễ cầu ngư và lệ mãn mùa cá Nam... Trong đó, lớn nhất là lễ hội cầu ngư (20/6 âm lịch). Ngoài phần lễ long trọng, còn có hát bả trạo và hát bội tạo không khí vui tươi cho người dân làng biển.
Cùng cốt cá Ông, vạn Thủy Tú còn lưu giữ nhiều hiện vật, tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu cho nghệ thuật chạm gỗ, đúc đồng, nặn tượng của các nghệ nhân xưa. Chuông đồng cổ, tượng đất nung, khám thờ, hương án, hoành phi, liễn đối, sắc phong vua ban... còn tồn tại vừa có giá trị nghệ thuật vừa mang tính lịch sử.
Với những giá trị độc đáo còn lưu giữ, năm 1996, vạn Thủy Tú đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Lễ hội cầu ngư vạn Thủy Tú cũng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2019.
Việt Quốc