Thầy Hoài, giáo viên Ngữ văn ở TP HCM, chia sẻ quan điểm về những thay đổi trong đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT.
Theo thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh THCS, THPT, có hiệu lực từ ngày 5/9, mỗi học kỳ và cả năm học, học sinh được xếp loại hạnh kiểm ở 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Với mức "tốt", học sinh đáp ứng tốt yêu cầu về phẩm chất được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều biểu hiện nổi bật. Mức "khá" đòi hỏi đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, có biểu hiện nổi bật nhưng chưa đạt được mức "tốt".
Mức "đạt" là học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông. Mức "chưa đạt" là chưa đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.
Trước đây việc đánh giá học sinh THCS, THPT được thực hiện theo thông tư 26/2020, hạnh kiểm được xếp theo các mức tốt, khá, trung bình, yếu.
Tôi cho rằng, cơ bản việc xếp loại hạnh kiểm học sinh theo 4 mức tốt, khá, đạt, chưa đạt của Thông tư 22 cũng giống với 4 mức tốt, khá, trung bình, yếu so với trước đây. Tuy vậy, việc thay đổi cách gọi hạnh kiểm "yếu" thành "chưa đạt" nghe nhẹ nhàng hơn, mang tính nhân văn, khác với kiểu phán xét.
Học sinh bị đánh giá hạnh kiểm "chưa đạt" thì phải rèn luyện sao cho "đạt". Còn trước đây, học sinh bị xếp loại "yếu" cũng phải rèn luyện lên "trung bình". Hạnh kiểm thường được hiểu là "phẩm chất, đạo đức biểu hiện trong việc làm, trong cách đối xử với mọi người" (ở nhà trường), rất khó đưa ra tiêu chí để lượng hóa thế nào là "yếu, trung bình".
Tôi thấy có rất nhiều lý do học sinh bị hạ hạnh kiểm, như: Đi học trễ, nghỉ học không phép, mặc sai đồng phục, nói chuyện trong lớp, nhuộm tóc, sử dụng điện thoại di động, sử dụng tài liệu trong giờ kiểm tra, vô lễ với giáo viên, nhân viên, hút thuốc, đánh nhau... Tùy theo mức độ vi phạm, học sinh sẽ bị hạ hạnh kiểm.
Chẳng hạn, chỉ cần học sinh bị ghi lỗi vô lễ với giáo viên; sử dụng tài liệu trong giờ kiểm tra... sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Học sinh vi phạm ở học kỳ I có thể khắc phục lỗi để cải thiện hạnh kiểm học kỳ II và cả năm. Nhưng nếu học sinh vi phạm ở học kỳ II thì cả năm bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Kéo theo, học sinh phải rèn luyện trong hè, đạt yêu cầu mới được lên lớp (cho dù học lực đạt mức trên trung bình). Ba chữ "hạnh kiểm yếu" ghi trong học bạ là vết đen đi suốt cuộc đời học sinh không thể xóa nhòa.
Việc học sinh bị xếp loại hạnh kiểm yếu như thế là cứng nhắc, khiên cưỡng, chưa thấu tình đạt lý và không mang tính nhân văn ở môi trường giáo dục. Nhiều giáo viên chỉ cần bị học sinh cãi lại thì đã ghi sổ đầu bài "vô lễ" mà không biết rằng đó chỉ là quan điểm trái chiều hay phản biện. Nếu giáo viên biết lắng nghe, điều chỉnh hành vi học sinh, tôi tin chắc các em sẽ thay đổi tích cực.
Một sinh đi học trễ nhiều lần, nghỉ học không lý do, đến lớp không học bài, làm bài, biết đâu em lại có những bất ổn về tâm lý, mối quan hệ bạn bè bất hòa, gia đình đổ vỡ... Những lỗi này hoàn toàn không thuộc về bản chất, nhân cách học sinh, giáo viên cần phân tích để các em điều chỉnh hành vi. Nếu chỉ căn cứ vào lỗi vi phạm để xếp loại hạnh yếu thì rất dễ, nhưng hệ lụy mà học sinh phải gánh chịu là không thể đong đếm được.
Tôi từng chứng kiến một vài học sinh bị xếp hạnh kiểm yếu đi kèm với học lực yếu nên bị ở lại lớp. Có em vì tự ti, mặc cảm, xấu hổ nên bỏ học giữa chừng, không biết tương lai ra sao.
Thực tế cho thấy, có nhiều học sinh khi đi học nghịch ngợm, phá phách, thường bị giáo viên la rầy vì hay vi phạm nội quy nhà trường, nhưng lúc ra đời rất thành công, sống nghĩa tình. Nhiều em biết giúp đỡ bạn bè lúc gặp khó khăn hoạn nạn, quay lại cưu mang những hoàn cảnh khó khăn ở ngôi trường xưa.
Riêng học sinh vi phạm nội quy kỷ luật có hệ thống, có biểu hiện sa sút về đạo đức nhân cách như hỗn láo với giáo viên, đánh nhau thì dứt khoát nhà trường phải xử lý nghiêm. Nếu giáo viên, nhà trường dung túng, học sinh có thể sai phạm ở mức độ cao hơn. Hơn nữa, đánh nhau là hành vi vi phạm pháp luật, quyền bất khả xâm phạm thân thể, có thể nhà trường phải giao cho cơ quan công an xử lý vì vượt quá thẩm quyền.
Môi trường giáo dục là nơi giúp học sinh rèn luyện nhân cách, đạo đức và học thuật, không phải là nơi kết án. Vì vậy, xếp loại hạnh kiểm "yếu" là đòn trừng phạt về tinh thần học sinh hơn là phương pháp giáo dục tích cực, khiến các em cảm thấy bị tổn thương.
Tôi cho rằng học sinh không còn bị xếp loại hạnh kiểm yếu là một bước tiến của Thông tư 22. Học sinh trung học thường có nhiều bất ổn về tâm lý và mắc lỗi, hãy tạo điều kiện cho các em được sửa chữa để hoàn thiện.
Phan Thế Hoài