"Thật sự chúng tôi rất đau xót", ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex nói về việc đường ống nước sông Đà liên tiếp gặp sự cố, tại buổi trao đổi với báo chí chiều 14/7, "Vinaconex là chủ đầu tư chịu trách nhiệm từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu chất lượng đường ống nước sông Đà".
Ông Hà cho biết, việc xây dựng đường ống dẫn nước sông Đà được áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ. Đơn vị cũng mạnh dạn sử dụng vật liệu mới là composite cốt sợi thủy tinh, nhưng còn "thiếu kinh nghiệm".
Vị Tổng giám đốc trên cũng thừa nhận các kết luận về nguyên nhân gây vỡ đường ống nước sông Đà do Bộ Xây dựng công bố là chính xác. Theo đó, có hai nguyên nhân liên quan chất lượng và thi công đường ống.
Thứ nhất, chất lượng đường ống không đồng đều. Việc lấy mẫu thí nghiệm cũng như đánh giá cảm quan cho thấy độ bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, về lâu dài dễ gây bong rộp, tách lớp ống.
Thứ hai, quá trình vận chuyển, lắp đặt gây nên một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống, lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực. Ví dụ, ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt; gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu tấm bê tông dàn tải tại hầm chui dân sinh.
Ngoài những nguyên nhân trên, tuyến ống còn bị ảnh hưởng bởi việc vận hành, khai thác đại lộ Thăng Long; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể bị suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian.
Liên quan trách nhiệm để xảy ra sự cố, Cục trưởng Giám định Nhà nước Lê Quang Hùng nói: "Nhà đầu tư - Tổng công ty Vinaconex phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế".
Bên cạnh đó, Cục Giám định đề nghị UBND thành phố Hà Nội có biện pháp hỗ trợ cấp nước cho các khu dân cư bị ảnh hưởng bởi sự cố; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai xây dựng tuyến ống số 2.
Trước đó, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, trách nhiệm sự cố vỡ đường ống nước sông Đà “trước tiên thuộc về Nhà đầu tư Tổng công ty Vinaconex”. Bên cạnh đó, thành phố chưa có sự phối hợp với Chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát thiết kế và thi công dự án, nhất là tuyến đường ống.
Phó chủ tịch Hà Nội cũng cho hay đã yêu cầu chủ đầu tư trước tháng 9/2014 phải thi công 10 km ống chạy qua vùng đất yếu thường xuyên bị vỡ. Tuy nhiên, sau lần vỡ thứ 9 (ngày 12/7), ông Hùng đã triệu tập cuộc họp khẩn: “Thành phố đã hết kiên nhẫn với Vinaconex, không thể chờ đơn vị này khởi công tuyến mới, không để họ tiếp tục đùa với cuộc sống của dân. Hà Nội sẽ chủ động thi công khẩn cấp tuyến ống dẫn nước mới”.
Dự án Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 1, công suất 300.000 m3 một ngày đêm và đường ống truyền dẫn từ Hòa Bình về đến vành đai 3 do Tổng công ty Vinaconex đầu tư xây dựng. Công trình được đưa vào vận hành, khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân từ năm 2009. Thành phố Hà Nội mua nước sạch của Công ty Nước sạch Vinaconex (VIWASUPCO) tại điểm cuối của tuyến ống truyền dẫn là vành đai 3. Đến nay, tuyến ống này đã vỡ đến lần thứ 9, tần suất gia tăng thời gian gần đây. Mỗi lần ống vỡ, khoảng 70.000 hộ dân phía Tây và Tây nam Hà Nội bị ảnh hưởng sinh hoạt nghiêm trọng 2-3 ngày. |
Minh Minh - Đoàn Loan