Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực – thậm chí, có đơn vị giảm đến 50% số lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO...
Trong 2022, số doanh nghiệp địa ốc thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng 56,7%. Trong khi đó, số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7%.
Nguyên nhân theo Bộ Xây dựng là doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng tiến độ thực hiện dự án. Thực tế, việc một số tổ chức, cá nhân bị xử lý vì có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tác động lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, đến 28/10/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 329.000 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Trong đó, nhóm doanh nghiệp địa ốc chiếm 28,87% tổng khối lượng phát hành, đứng thứ hai trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại ngày 30/9/2022.
Tính riêng trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp địa ốc phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo số liệu sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 34%, tức 419.000 tỷ đồng.
Như vậy, từ cuối năm 2022 và trong năm nay, một số doanh nghiệp địa ốc sẽ phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Ngoài vấn đề vốn, doanh nghiệp địa ốc còn bị bủa vây bởi lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng, dầu, vật liệu xây dựng leo thang, khiến chi phí sản xuất tăng lên.
Các sàn giao dịch cũng có chung số phận. Theo đó, trước các diễn biến phức tạp của nền kinh tế, từ giữa quý III đến cuối 2022, hoạt động của họ có dấu hiệu khó khăn hơn, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời gian đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới cũng giảm theo.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp địa ốc, Bộ Xây dựng kiến nghị các bộ, ngành liên quan khơi thông điểm nghẽn về vốn như sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ; nghiên cứu phương án điều hành room tín dụng phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng...
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các cơ quan, địa phương hỗ trợ thị trường thông qua sửa đổi cơ chế chính sách, pháp luật. Ví dụ, hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đùa tư, đấu thầu...
Trong năm 2023, trước các thách thức của thị trường, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho biết chọn phương án kinh doanh thận trọng, phòng thủ để giảm thiểu rủi ro. Đơn cử như việc giảm lượng vốn đầu tư, giảm tốc độ thi công dự án để tránh áp lực dòng tiền; doanh nghiệp cũng ưu tiên dự trữ nguồn lực để phòng thủ trong thời gian tới.
Trước đó, Chính phủ đã có nhiều động thái nhằm "giải cứu" thị trường bất động sản. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gỡ khó về tính dụng bất động sản cho doanh nghiệp và người mua. Ông cũng yêu cầu thúc đẩy phát triển các dự án, cơ cơ cấu lại thị trường, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Đức Minh