Lý giải này được Bộ Xây dựng cho biết trong phần trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang gửi Chính phủ.
Theo đó, Bộ này giải thích việc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng còn chậm chủ yếu do hiện nay nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Nhiều địa phương đã có dự án nhưng chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục đáp ứng điều kiện vay vốn. Cùng với đó, cơ quan này đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Ngoài các lý do trên, tại một số sự kiện quý cuối năm ngoái, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng một số dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn với người mua nhà bởi các yếu tố về giá thành, vị trí, quy hoạch, hạ tầng... Đồng thời, các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội nhiều điểm chưa phù hợp, cần điều chỉnh.
Trước đó, kiến nghị của cử tri Bắc Giang cho rằng gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là rất cần thiết, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và người mua nhà. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp và người mua nhà rất khó tiếp cận nguồn vốn này do thủ tục phức tạp, thời gian thẩm định hồ sơ dài, lãi suất vẫn cao (khoảng 8,2%/năm) dẫn đến việc giải ngân gói hỗ trợ này chậm.
Theo số liệu Bộ Xây dựng công bố tại báo cáo mới đây, tính đến thời điểm đầu tháng 1/2024, gói 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được gần 180 tỷ cho một số dự án nhà ở xã hội trong tổng số 1.095 tỷ đã ký hợp đồng vay vốn.
Cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ để doanh nghiệp, người dân sớm tiếp cận nguồn vốn vay.
Trước thực trạng này, để giảm thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, Bộ Xây dựng cho biết đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh lập danh mục dự án để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hiện nay đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng với nhu cầu gần 28.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, địa phương để triển khai gói 120.000 tỷ đồng hiệu quả, góp phần thực hiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Cơ quan này sẽ báo cáo Chính phủ có các giải pháp giúp chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người mua nhà tiếp cận được các gói tín dụng với lãi suất thấp và thời gian vay vốn kéo dài hơn.
Năm ngoái, cả nước có 28 dự án đã hoàn thành với hơn 13.800 căn, 16 dự án đã được cấp phép, khởi công xây dựng. Năm 2024, 63 tỉnh, thành phố đăng ký hoàn thành 108 dự án, quy mô hơn 47.500 căn.