Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Phần lớn trong 18 góp ý của các thành viên Chính phủ đồng tình nhưng riêng Bộ Tư pháp không đồng ý và yêu cầu làm rõ sự cần thiết khi xây dựng đề án.
Trong dự thảo trước đó, mục tiêu được cơ quan này đưa ra là hơn 1,4 triệu căn hộ (giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 571.200 căn, giai đoạn 2025-2030 là 845.500 căn). Nguồn vốn huy động khoảng 1,13 triệu tỷ đồng. Nhưng nhiều thành viên Chính phủ cũng đề nghị cân nhắc mục tiêu, số lượng nhà ở và nguồn lực để thực hiện.
Mục tiêu này, theo Bộ Xây dựng, được tổng hợp theo số liệu của các địa phương trên cơ sở kế hoạch phát triển nhà đã được thông qua hoặc số lượng mới đăng ký. Tuy nhiên, trước lo ngại từ các thành viên Chính phủ, Bộ đề xuất Thủ tướng điều chỉnh mục tiêu đề án xuống còn hơn 1 triệu căn nhà (giảm 354.500 căn). Nguồn lực thực hiện cũng giảm 280.500 tỷ đồng, tức chỉ cần 849.500 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ cũng cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội tới đây sẽ hạn chế dùng nguồn lực nhà nước; tăng cường huy động nguồn lực xã hội, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Các địa phương cũng phải chủ động cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư nhà ở xã hội.
Đầu tư nhà ở xã hội hiện được xem là một giải pháp giúp phá băng thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng trong tháng này đã đề xuất Chính phủ bố trí gói vay ưu đãi 110.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 55.000 tỷ cho người mua nhà vay, phần còn lại dành cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Trong khi đó, một gói tín dụng riêng cho nhà ở xã hội cũng được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc. 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã thống nhất dành 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2% mức bình quân thị trường với người xây dựng và người mua nhà.
Đức Minh