Giá cả hàng hóa thường do cung cầu quyết định nhưng diễn biến giá thép trong nước gần đây được cho là không theo quy luật đó. Cụ thể, nguồn cung thép xây dựng của các doanh nghiệp trong nước được Bộ Công Thương cho biết khoảng 14 triệu tấn, đảm bảo đủ cho nhu cầu trong nước, xuất khẩu, thế nhưng hiện giá mặt hàng này đã tăng 40-50% so với cuối năm 2020.
"Giá nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là thép có giá cao đột biến, tăng không theo quy luật tăng giá thông thường", Bộ Xây dựng nhìn nhận.
Thép là vật liệu quan trọng với ngành xây dựng khi chiếm 10-30% tổng giá trị mỗi dự án xây dựng dân dụng. Không chỉ thép, nhiều vật liệu xây dựng cơ bản khác cũng tăng giá mạnh, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn.
Nhằm giảm thiểu tác động của biến động giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương cập nhật, điều chỉnh công bố giá, chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Với những vật liệu quan trọng, có biến động giá lớn, khi cần thiết có thể công bố giá hàng tháng hoặc sớm hơn. Điều này giúp cho các doanh nghiệp tính toán, quản lý được chi phí, hợp đồng xây dựng.
Bộ này cũng đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công...
Trước đó, báo cáo về tình hình thị trường thép tháng 3 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, giá thép có thể tăng đến hết quý 3 năm nay do những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ. Theo đó, giá quặng sắt, than mỡ luyện cốc, thép phế liệu... đều đã tăng mạnh so với hồi cuối năm ngoái. Ngoài ra, vì dịch bệnh, thời gian giao hàng đã bị kéo dài, đẩy giá tăng cao hơn.
VSA cũng cho rằng, nguồn cung thép trong nước không khan hiếm, giá tăng là do nguyên liệu sản xuất mặt hàng này tăng theo giá thế giới.
Tại cuộc họp điều hành về giá mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước. Bộ này cũng cần đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Bộ Công Thương cũng giải thích giá thép tăng là do phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào trên thế giới. Do vậy, trong bối cảnh giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên toàn cầu, ảnh hưởng của Covid-19 làm thời gian giao hàng kéo dài... đẩy giá thép lên cao. Cơ quan này đồng thời phủ nhận việc các doanh nghiệp bắt tay đẩy giá thép.
Đức Minh