Chán làm việc, kiệt sức vì áp lực và nhận ra chân lý "tiền không mua được hạnh phúc" là tình trạng của rất nhiều người. Nhưng sau tất cả những khổ đau đó, gần như không có ai dám rời bỏ một công việc, đặc biệt là việc có mức lương hàng triệu USD.
Sinh ra trong một gia đình gốc Campuchia, di cư sang Mỹ, Khemaridh Hy có con đường thăng tiến khá bằng phẳng. Nhờ điểm số rất tốt ở phổ thông, anh được nhận vào ĐH Yale và theo đuổi sự nghiệp chuyên gia tài chính.
Năm 31 tuổi, Hy trở thành giám đốc điều hành của hãng đầu tư tài chính BlackRock với mức lương 2,3 triệu USD. "Tôi có tiền bạc, có danh tiếng, được đồng nghiệp nể trọng nhưng hình như vẫn thiếu thứ gì đó", Hy nói trong một buổi trả lời phỏng vấn báo chí.
Anh nhận ra cuộc sống của mình gần như chỉ gói gọn trong 12 giờ làm việc mỗi ngày. "Tôi không buồn bã nhưng cũng không vui vẻ. Tôi chắc chắn không thích công việc mình đang làm nhưng cũng không ghét nó", Khemaridh Hy nói. Là con của một gia đình nhập cư, Hy lớn lên với những bất an và mặc cảm. Anh tưởng rằng những thứ đó sẽ biến mất khi mình thành đạt và có tiền. Nhưng khi có mọi thứ trong tay Hy vẫn cảm thấy cuộc sống của mình quá vô vị, bất chấp đã cố gắng mở rộng mạng lưới bạn bè, đồng nghiệp, viết blog hay lao đầu vào những thách thức trong công việc.
Năm 2015, trong một lần đang đi nghỉ, Hy viết một bức email đặt tiêu đề là RadRead trong đó chia sẻ những mẹo vặt cuộc sống và dẫn liên kết đến trang tin mà anh đã đọc. Ông gửi email này cho vài người bạn và lập tức được mọi người rất hưởng ứng. "Tôi nhận ra, thứ chỉ lấy cả tôi 5% thời gian nhưng lại mang cho tôi 99% hạnh phúc và cảm tưởng rằng có thể làm việc đó cả ngày cũng được", Hy nhớ lại.
Ý nghĩ nghỉ việc để ngồi nhà viết blog ngày càng lớn khi vợ chồng anh đón con đầu lòng. Sau khi gom một khoản tiền đủ cho vợ con sinh hoạt trong 18 tháng, Khemaridh Hy nộp đơn xin nghỉ việc.
Rời BlackRock là một quyết định đầy khó khăn. Gần như ngày nào Hy cũng nhận được tin nhắn của bạn bè hoặc đồng nghiệp cũ hỏi "Dạo này cậu đang làm gì?".
Đang bận rộn, đột ngột quá nhàn rỗi khiến anh gần như tê liệt. "Đã vài lần tôi suýt nộp đơn xin đi làm lại", anh nói.
Hy quyết định thuê một huấn luyện viên cuộc sống (life coach), người trở thành bạn đồng hành hàng ngày, có thể khuyến khích anh nhìn mọi thứ từ những góc nhìn mới.
Huấn luyện viên cuộc sống đã cho Hy những công cụ để điều hướng cảm xúc và giúp anh khám phá những câu hỏi như "Tại sao tôi lại bị ám ảnh bởi công việc?". Cuối cùng anh nhận ra đâu mới là kiểu cuộc sống mà mình mong muốn. Gia đình Hy chuyển đến California, nơi anh có thể đam mê lướt sóng, tập trung vào bản tin (newsletter) hàng tuần của mình và nhận thấy rằng những suy ngẫm về cuộc sống đã gây được tiếng vang với các chuyên gia đang ở độ tuổi trung niên khác.
Đến nay, kiếm sống bằng nghề viết lách và đi giảng về triết lý cuộc sống chỉ mang lại cho Hy nhiều nhất 250.000 USD một năm nhưng với anh thế là đủ. "Phương châm của tôi là công việc phải xoay quanh cuộc sống chứ không phải cuộc sống bị sắp xếp theo công việc", anh nói.
Anh sẽ không bắt đầu công việc trong ngày trước 11h30 để dành thời gian chuẩn bị cho các con đến trường và sau đó đi lướt sóng. Buổi tối là thời gian trọn vẹn dành cho gia đình.
Hy đang làm việc 30 giờ một tuần. "Nếu muốn kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta sẽ phải làm việc nhiều giờ hơn. Nhưng khi có tiền mong muốn lớn nhất của chúng ta là có thêm thời gian. Đó là vòng luẩn quẩn và tôi sẽ không lao vào nó lần nữa", Hy nói.
Ngọc Ngân