Tốt nghiệp khoa Kinh tế trường Đại học Đà Lạt năm 2010, anh Nhàn, trú xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, làm giám sát kinh doanh cho công ty mì tôm, lương tháng 12 triệu đồng. Thời điểm đó, mức thu nhập trên được cho là khá, nhưng anh không hài lòng. Nhiều lúc lái xe máy rong ruổi cả ngày trên đường, Nhàn nghĩ "không thể làm thuê mãi", phải xây dựng cái gì cho riêng mình. Bố mẹ có 5 ha đất đồi, anh có kế hoạch khai phá, song chưa biết "trồng cây gì, nuôi con gì".
Lập gia đình năm 2016, anh Nhàn lúc này đã nghỉ công việc giám sát kinh doanh cho doanh nghiệp, bàn với vợ Nguyễn Thị Thùy, 31 tuổi, khởi nghiệp bằng cách xây trang trại nuôi gà ri Hòa Bình. Ý tưởng trên anh tình cờ biết được vào một năm trước, khi một công ty ở Nghệ An vào khảo sát, tìm đối tác xây dựng chuồng trại gia súc theo mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Ban đầu khi thỏa thuận với doanh nghiệp, anh dự định sẽ nuôi bò, tuy nhiên thấy vốn lớn, tính khả thi không cao nên quyết định chọn gà. Chị Thùy nói: "Em ủng hộ hai tay". Tuy nhiên bố mẹ, người thân phản đối vì "Chưa thấy ai làm bao giờ, thua lỗ thì không còn chỗ mà chui".
Vốn liếng ban đầu là 100 triệu đồng tiền mừng cưới, anh Nhàn lên ngân hàng cầm cố bìa đỏ miếng đất rừng rộng 5 ha, vay họ hàng thêm 700 triệu đồng nữa với quyết tâm "làm một cái gì đó ra trò". Lúc hệ thống chuồng trại rộng 1.200 m2 xây xong, anh Nhàn nộp 200 triệu đồng cho doanh nghiệp để nhận 5.000 con gà ri Hòa Bình về nuôi, khi đạt trọng lượng thì doanh nghiệp sẽ thu mua. Ngoài ra, anh còn làm hạ tầng đường bê tông ra vào trại, xây thêm một số chuồng nuôi bò và lợn để hàng quý bán lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt.
Dù đã dành thời gian đi học hỏi mô hình nuôi gà ở nhiều nơi trong tỉnh, anh Nhàn chia sẻ vẫn không thể nắm hết các kỹ thuật nên áp dụng bị sai. Theo quy định, gà nuôi 3 tháng nặng 1,6 kg trở lên là đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thời gian đầu con vật không đạt trọng lượng dù nuôi 4-5 tháng, ngoài ra còn mắc nhiều bệnh rồi chết. Tháng 9/2017, bão Doksuri càn quét huyện Kỳ Anh, làm tốc mái toàn bộ chuồng trại, nhiều mảng tường bị đổ, anh cùng vợ phải mất nhiều ngày dọn dẹp, chi thêm tiền thuê thợ đến làm mới hệ thống.
"Hai năm đầu tiên lỗ hơn 200 triệu đồng. Tháng nào cũng đi vay hơn chục triệu đồng để trả tiền lãi, điện nước, thức ăn cho gia cầm...", anh Nhàn kể. Nhiều đêm trằn trọc, nằm vắt tay lên trán, anh thầm nghĩ "hay mình đã sai khi bỏ mức lương 12 triệu đồng mỗi tháng để chuốc lấy sự mạo hiểm?". Ý định từ bỏ nuôi gà từng xuất hiện, nhưng anh lại không trả lời được câu hỏi quan trọng cũng do mình nghĩ ra: "Nếu trở lại công việc như xưa thì lương cũng đủ trả lãi, vậy vợ con lấy gì sinh sống, nợ gốc thì chưa biết đến năm nào mới trả xong?".
"Cần phải kiên trì và cố gắng. Cái gì cũng biết trước được thành công rồi mới bắt tay vào làm thì chắc chỉ có trong giấc mơ", anh Nhàn nhớ lại lời trấn an bản thân giữa lúc dao động tư tưởng vào năm 2018.
Nhận thấy gà bị chết do chăm sóc chưa đúng cách, anh Nhàn lên mạng tìm hiểu phương pháp từ các trang web chăn nuôi uy tín. Theo anh, gà thường mắc các bệnh như: gum, hen, viêm ruột, cầu trùng... Thời gian sau, nhờ áp dụng các loại thuốc, kết hợp phương pháp khoa học kỹ thuật, bệnh tật của đàn gà dần được khắc chế.
Từ năm 2019 trở đi, gà trong trang trại bắt đầu sinh trưởng tốt, cho trọng lượng đạt tiêu chuẩn theo thỏa thuận. Trong năm này, anh xuất 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 5.000 con, trừ hết các chi phí đạt lãi ròng 120 triệu đồng. "Hai vợ chồng nhìn nhau mà chảy nước mắt, rất xúc động khi mô hình của gia đình bắt đầu có lời sau hơn hai năm cực khổ, có lúc tưởng chừng bỏ cuộc", anh Nhàn kể.
Đến nay, anh Nhàn đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng cho trại. Chuồng được trang bị đệm lót sinh học, máng ăn, đèn, máy phát điện, hệ thống uống nước tự động, quạt mát vào mùa hè, gas sưởi ấm cho gia cầm vào mùa đông... Gà một năm nuôi 6 lứa, một lứa gà giống 10.000 con, mỗi con một ngày tuổi nặng 40 gram. Sau ba tháng, gà đạt 1,6-1,8 kg thì xuất bán cho công ty một lần. Ngoài ra, hàng ngày anh còn lái ôtô chở gà đi nhập tại các chợ, nhà hàng, đối tác trong tỉnh.
"Tổng doanh thu bán hàng một năm khoảng 2,4 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, tiền lời khoảng 500 triệu đồng", anh Nhàn nói. Gà ri Hòa Bình mã đẹp, là gà cỏ thuần chủng, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Ngoài gà, đàn bò cũng cho thu nhập đều, mỗi năm bán 5 con, lời hàng chục triệu đồng.
Gia đình anh Nhàn có một con nhỏ, xây nhà tại trang trại để sinh sống. Công việc tại đây chủ yếu do anh quán xuyến, vợ làm cán bộ tư pháp xã Lâm Hợp, những lúc không bận việc cơ quan thì phụ giúp chồng. Hàng ngày, anh luôn thức dậy lúc 6h ra cho gà ăn, vệ sinh máng nhựa... Lúc rảnh thì đi cắt cỏ cho bò, nấu cám lợn. Buổi sáng kết thúc công việc trước 9h, buổi chiều là 16h. Cứ một tuần sẽ phun sát trùng một lần để đảm bảo vệ sinh chuồng trại.
"Nuôi gà cũng giống phụ nữ chăm con mọn, lúc nào cũng lo lắng. Khi thăm chuồng, thấy gà khỏe là mình cũng khỏe, chúng mà trở bệnh thì cơ thể tôi cũng như người ốm. Chỉ đến khi nào xuất hết lứa mới nhẹ nhõm", anh Nhàn nói.
Hiện các khoản vay khởi nghiệp đã trả hết, vợ chồng trẻ kinh tế khá, có tích lũy. Anh Nhàn sắm thêm ôtô bán tải cùng nhiều vật dụng đắt tiền trong nhà để phục vụ nhu cầu đi lại và sinh hoạt của gia đình. Thời điểm này, do Covid-19, doanh nghiệp nuôi liên kết gặp khó khăn, sản phẩm bán ra thị trường bị chậm lại, nên anh Nhàn tạm gác kế hoạch mở thêm chuồng nuôi, dịch vãn sẽ triển khai.
Ông Phạm Thái Phượng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Hợp, cho biết anh Trần Thanh Nhàn là người tiên phong trên địa bàn biết tận dụng vườn đồi để chăn nuôi, phát triển kinh tế. "Bỏ tiền tỷ xây trang trại nuôi gà đòi hỏi người chủ phải có bản lĩnh và biết tính toán. Sự táo bạo của anh ấy bước đầu mang lại thành công. Đây là hình mẫu cho nhiều thanh niên theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp tại quê hương, thay vì làm thuê ở phương xa", ông Phượng nói.