Trao đổi với báo chí chiều 10/3, ông Phạm Định Phong, Phó cục trưởng Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho hay di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2016. Trung tâm của tín ngưỡng này là nghi lễ lên đồng.
"Để lên đồng không bị biến tướng, Bộ Văn hóa đưa ra một số biện pháp như: Quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã... Quy định này cũng sẽ giúp người dân không lãng phí tiền của trong các hoạt động tín ngưỡng Thờ Mẫu", ông Phong nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục di sản văn hóa, các tỉnh cần tuyên truyền, phổ biến để các thầy đồng hiểu được giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ. Các thầy đồng không lợi dụng kiếm lợi và xúi giục các hành vi mê tín dị đoan.
GS, nhà văn hóa Nguyễn Chí Bền chưa ủng hộ quy định trang phục hầu đồng, ông cho rằng việc này cần có thảo luận trong cộng đồng người hát văn để được chấp thuận. Theo ông, hầu đồng phải diễn ra ở nơi thờ Mẫu, các địa điểm như Chùa Một Cột, đền thờ Hai Bà Trưng... không thích hợp diễn ra hầu đồng.
"Nơi không có điện thờ Mẫu mà hầu đồng là không chính xác, có thể bị lợi dụng. Việc biến tướng hầu đồng chắc chắn có, nếu cộng đồng không hiểu rõ giá trị của tín ngưỡng", ông Nguyễn Chí Bền nói.
Để tôn vinh di sản này, ngày 2/4, tỉnh Nam Định sẽ tổ chức đón bằng UNESCO ghi danh "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" là di sản văn hóa phi vật thể, tại quần thể di tích Phủ Dầy, huyện Vụ Bản.
Nam Định là tỉnh có trung tâm thờ Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu và gần 400 điểm thờ cúng thánh Mẫu.
Video: Các nhà ngoại giao quốc tế xem hầu đồng
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được chứng minh qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (70 vị thần), trong đó nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí... Nghi lễ Lên Đồng là nghi lễ chính, trung tâm của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ. Lên đồng là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp một cách hài hòa, thể hiện giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng. |
Đoàn Loan