- Tổ chức Động vật châu Á lần thứ ba lên tiếng kêu gọi hủy bỏ lễ chém lợn ở Bắc Ninh. Bộ Văn hoá có quan điểm thế nào về việc này?
- Chém lợn là một nghi thức trong lễ hội làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm. Từ năm 2012, nghi thức này đã thay đổi không theo phong tục cũ là chém lợn giữa sân đình, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân và du khách thập phương. Người dân Ném Thượng đã sắp xếp một khu vực riêng để làm cỗ ngọc tế thánh. Ngoài những người đã được phân công nhiệm vụ giết mổ lợn, làm cỗ, tất cả nhân dân và du khách đều không được vào khu vực này.
Cổ tục chém lợn đã tồn tại từ lâu đời, được người dân bảo lưu suốt chiều dài lịch sử, nên cần có thời gian để tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành vi của nhân dân, không thể thay đổi ngay được. Cục Văn hóa cơ sở không cấm mà tôn trọng những nghi lễ truyền thống của cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích và khuyến cáo không được sử dụng các cổ tục để quảng bá, câu khách đến tham dự lễ hội.
- Tổ chức Động vật châu Á nói, từng gửi văn bản nhưng không hề nhận được hồi âm từ phía Bộ Văn hoá cũng như tỉnh Bắc Ninh, bà có thể nói gì về điều này?
- Hai lần trước Phòng Nếp sống văn hoá có nhận được văn bản của Tổ chức Động vật châu Á, từ Văn phòng Bộ Văn hoá gửi xuống. Chúng tôi đã có công văn trả lời gửi lên Bộ. Trong công văn này, chúng tôi đã nêu rõ quan điểm không cấm nhưng cũng không khuyến khích các cổ tục có hình ảnh phản cảm, dã man, gây bức xúc trong dư luận.
- Dân làng Ném Thượng cho biết 2 năm qua họ không chém lợn ở sân đình mà lui vào hậu cung. Tuy nhiên, Tổ chức Động vật châu Á phản ánh lễ hội năm 2014 vẫn có rất nhiều người chứng kiến tục lệ này. Theo bà, phải làm sao để hạn chế tác động không mong muốn của lễ hội này tới cộng đồng?
- Loại bỏ một lễ hội truyền thống do cộng đồng tổ chức từ lâu đời ra khỏi đời sống cộng đồng không khó, nhưng cũng không đơn giản vì liên quan đến tâm linh, truyền thống. Phòng Nếp sống văn hoá sẽ tham mưu cho Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở Văn hoá tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền, vận động, nghiên cứu để có hình thức tổ chức lễ hội hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, trên cơ sở tôn trọng sự quyết định của cộng đồng. Bởi cộng đồng là chủ thể của lễ hội, trực tiếp thực hành mọi nghi thức, nghi lễ tín ngưỡng.
Các cơ quan chức năng sẽ làm nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng, còn việc thay đổi lễ hội là do cộng đồng địa phương quyết định.
- Một số lễ hội khác ở Việt Nam cũng có hành động đối xử bạo lực với động vật, như: chọi trâu, đâm trâu..., Cục Văn hoá cơ sở có tính tới việc thuyết phục chính quyền tỉnh cũng như người dân thay đổi?
- Ở Tây Nguyên không có lễ hội đâm trâu, chỉ có nghi thức ăn trâu trong một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: lễ cúng nhà mới, cúng lúa mới, lễ kết nghĩa anh em, lễ bỏ mả… Trong quan niệm của người dân bản địa, con trâu không phải là công cụ (phương tiện) sản xuất mà được dùng để hiến tế thần. Ăn trâu là một nghi lễ tâm linh, thể hiện phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Trước khi thực hiện lễ này, bà con tổ chức lễ khóc trâu vào giữa đêm khuya cho tới khi trời sáng, mục đích thể hiện tâm tư, tình cảm của họ với con trâu.
Hội chọi trâu (Đồ Sơn, Hải Phòng) chỉ diễn ra trong vài ngày gồm cả vòng đấu loại, song người Đồ Sơn đã phải chuẩn bị trước đó hết sức công phu, tỉ mỉ: tìm, chọn và nuôi dạy trâu trong vòng 8 tháng. Những con trâu chọi được gọi một cách tôn kính là “ông trâu”. Trước trận đấu là lễ rước các "ông trâu" về đình để trình diện thành hoành làng, đồng thời xin phép tổ chức lễ chọi trâu. Cuộc tế lễ rất trang nghiêm và kéo dài nhiều giờ.
Theo tập quán của địa phương thì các trâu tham gia chọi, dù thắng dù thua đều phải giết thịt, cúng đầu trâu, thịt sống để tạ ơn thành hoàng làng, đồng thời xin cho mùa đánh cá sau, mùa làm ăn mới đạt kết quả tốt, may mắn hơn. Khi giết trâu, người ta lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (huyết, mao) để cúng thần xong sau đó đổ xuống biển để tiễn thành hoàng làng của mình.
Có thể thấy cổ tục, nghi lễ của lễ họi chọi trâu là những nghi lễ truyền thống lâu đời, hết sức tốt đẹp gắn liền với đời sống tâm linh, tinh thần thượng võ của người dân nơi đây. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh theo tục lệ hiến sinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, những lễ hội hiến sinh là sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần. Quan điểm của Phòng Nếp sống văn hoá là không cấm, không khuyến khích, việc tổ chức lễ hội là do cộng đồng quyết định, nhưng không được sử dụng các cổ tục để câu khách.
- Hiện nay nhiều làng xã muốn khôi phục những lễ hội cổ xưa vừa để giữ lại truyền thống cha ông, vừa thu hút du khách, ngành văn hóa nhìn nhận thế nào về việc này?
- Lễ hội, nghi lễ truyền thống không phải thích mở là được. Những lễ hội có ý nghĩa với cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số, đã bị thất truyền, người dân có thể sưu tầm lại các cổ tục, sau đó phục dựng và xin phép cơ quan được phân cấp quản lý lễ hội ở địa phương.
Đề xuất đổi tên lễ hội chém lợn Trong cuộc gặp mặt báo chí sáng 5/2, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, Sở đã có văn bản tham mưu lên UBND tỉnh xung quanh nghi lễ chém lợn. Theo đó, Sở sẽ lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên lễ hội chém lợn thành lễ hội rước lợn. Việc tế, rước, lễ vẫn diễn ra theo nghi thức truyền thống, tuy nhiên sẽ không thực hiện nghi lễ chém lợn mà chuyển sang hình thức khác để tránh hình ảnh phản cảm. Sở kiên quyết không để tình trạng người dân sử dụng tiền nhúng vào máu lợn. "Văn bản trên chỉ có tính chất tham mưu và khuyến cáo. Quyền tự quyết cuối cùng vẫn thuộc về nhân dân làng Ném Thượng", ông Phong nói. Phó chủ tịch UBND TP Bắc Ninh Lưu Đình Thực cho biết, năm 2015 trực tiếp Trưởng phòng Văn hoá của tỉnh sẽ đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội làng Ném Thượng và cố gắng hạn chế tình trạng còn nhiều người dân, trẻ nhỏ chứng kiến nghi thức mổ lợn. |
Quỳnh Trang