Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt đề án bảo tồn trang phục truyền thống 53 dân tộc thiểu số Việt Nam với tổng kinh phí 230 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 51 tỷ đồng; ngân sách địa phương 172 tỷ đồng).
Trang phục của người Pà Thẻn ở miền núi phía Bắc. Ảnh: Hoàng Thành. |
Mục tiêu của đề án nhằm đưa trang phục các dân tộc thiểu số phổ biến hơn trong đời sống. Cụ thể, đến năm 2025, hoàn thành kiểm kê, xếp hạng 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công, trang trí hoa văn trang phục dân tộc thiểu số; khôi phục trang phục của 3 dân tộc đã mai một; vinh danh 5 đến 10 nghệ nhân ưu tú, nhân dân làm nghề liên quan đến trang phục các dân tộc; mở lớp truyền dạy kỹ năng bảo tồn.
Đến năm 2022, tất cả học sinh trường dân tộc nội trú mặc trang phục truyền thống tối thiểu hai buổi mỗi tuần vào dịp lễ, tết, hội. Đến năm 2030, xếp hạng thêm 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; vinh danh thêm 20-30 nghệ nhân. Bộ Văn hóa sẽ tổ chức liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số; ngày hội sắc màu văn hóa các dân tộc; lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam; xây dựng website giới thiệu các trang phục...
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa) cho biết, trang phục các dân tộc thiểu số đang dần biến dạng, mất gốc. Vì vậy, bà kỳ vọng đề án sẽ khơi dậy niềm tự hào về vẻ đẹp trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc trên cả nước để có ý thức gìn giữ.