Ngày 31/8, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên ký văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về việc Hà Giang cấp sổ đỏ dinh thự Vua Mèo tại xã Sà Phìn (Đồng Văn) khiến con cháu họ Vương bức xúc.
Theo báo cáo, năm 1993, khi Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia dinh Vua Mèo, ông Vương Quỳnh Sơn (cháu nội của Vua Mèo Vương Chính Đức, thân sinh ông Vương Duy Bảo) khẳng định là chủ trương đúng đắn.
Bộ Văn hóa khẳng định, việc lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia dựa trên các giá trị về văn hoá, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Quyết định xếp hạng di tích không nhằm xác lập hay chuyển đổi quyền sở hữu tài sản trên đất và quyền sử dụng đất của di tích mà chỉ là cơ sở xác lập trách nhiệm thực hiện gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
“Việc xếp hạng di tích dinh thự họ Vương không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp”, Bộ Văn hóa khẳng định.
Năm 2002, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin, ông Vương Quỳnh Sơn có đề nghị một số việc: khôi phục các hạng mục trong di tích; bồi thường cho gia đình các cây thông bị chặt hạ trong quá trình thi công đường dây điện và trồng mới thay thế các cây này; sau khi tu bổ, tôn tạo di tích nên để 1-2 phòng làm nơi nghỉ ngơi khi dòng họ có người về thăm viếng tổ tiên.
Ông Vương Quỳnh Sơn nói việc đưa con cháu họ Vương ra ngoài khu di tích cần có sự bàn bạc thống nhất giữa chính quyền và dòng họ, có chế độ chính sách thỏa đáng; cần có một cuộc họp để dòng họ Vương bàn giao khu di tích cho chính quyền.
Ông đề nghị chính quyền huyện Đồng Văn tuyển 1-2 người là con cháu họ Vương làm nhân viên trông coi nhà văn hóa huyện và làm nhà gần đó cho những người này ở để tiện trông nom; chính quyền tuyển chọn một số con cháu họ Vương đi đào tạo chuyên môn về bảo tàng, sau đó tuyển dụng làm nhân viên giới thiệu khu di tích nhà Vương.
Ngoài ra, ông Vương Quỳnh Sơn đề nghị nhà nước cấp cho gia đình ông 100 m2 đất ở Hà Nội để làm nhà ở, thay cho việc cấp căn hộ tại khu nhà công vụ.
Bộ Văn hóa khẳng định, ngay trong năm 2002 “đã báo cáo Thủ tướng các yêu cầu trên và những đề nghị nêu trên cơ bản đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện”.
Năm 2002, Bộ Văn hóa đầu tư 6,7 tỷ đồng trùng tu di tích vì xuống cấp. Việc triển khai dự án có ý kiến đồng thuận của ông Vương Quỳnh Sơn. UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ kinh phí và đất di dời 6 hộ gia đình họ Vương ra khỏi khuôn viên di tích.
Năm 2007, UBND huyện Đồng Văn thành lập tổ quản lý dinh thự Vua Mèo với 5 thành viên, trong đó có 3 người là con cháu dòng họ Vương.
Khẳng định việc xếp hạng di tích quốc gia dinh thự vua Mèo là chủ trương đúng, nhưng Bộ Văn hóa thừa nhận “vừa qua đã để xảy ra sơ xuất trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn”. Trách nhiệm giải quyết việc này thuộc về tỉnh Hà Giang.
Dù sổ đỏ dinh Vua Mèo cấp cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn đã được thu hồi, Bộ Văn hóa vẫn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hà Giang tiếp tục xử lý việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích dinh thự Vua Mèo theo quy định của pháp luật.
Trước đó ngày 21/7, ông Vương Duy Bảo có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ bức xúc khi biết tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Ngày 16/8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa báo cáo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.
Ngày 23/8, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khu dinh thự họ Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn. Tuy nhiên, với đề nghị “trả lại quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự” của ông Vương Duy Bảo, lãnh đạo Hà Giang nói “sẽ tính sau”.