Cuối tháng chạp, những cơn gió heo may không còn quá lạnh lẽo, chút nắng hanh hanh hiếm hoi cho mỗi người cảm nhận rằng "Tết sắp về rồi". Bước sang tuổi 21, thời gian như cơn gió thổi ngang, tôi lớn tự lúc nào. Tuổi ấu thơ của tôi cũng đã qua đi, bình yên và nhẹ nhàng trong vòng tay của bố mẹ.
Tết của tuổi thơ tôi là những ngày quẳng sách vở vào một chỗ và chìm ngập vào những thú vui con trẻ; xúng xính theo mẹ đi mấy phiên chợ Tết, hồi hộp ngồi nhìn bố gói bánh chưng, líu ríu bên anh trai đang buộc bóng bay lên cành đào Tết.
Tết là những ngày thỏa thích ăn kẹo, những thứ kẹo thường ngày con nhà nghèo thường chẳng dám mơ. Những cái kẹo gôm xanh đỏ, những cái kẹo lạc gòn tan béo ngậy hay là miếng mứt gừng cay xè, cho vào miệng nhai nhai, nhăn mặt lại vì cay nhưng lại ấm lòng đến lạ.
Nhưng Tết trong tôi gắn lền với hình ảnh của bố. Bố chỉ là một người nông dân bình thường, nhưng lại có một tình yêu văn chương vô cùng sâu sắc. Bố yêu thơ và yêu nhất thơ Nguyễn Bính - nhà thơ của đồng nội, làng quê. Cứ mỗi độ Tết gần về, kiểu gì bố cũng ngâm nga mấy câu thơ trong bài Tết của mẹ tôi "Nuôi hai con lợ từ ngày xưa. Mẹ tôi tính đến Tết thì vừa..."
Rồi bố tủm tỉm cười bảo tôi "Nuôi từ ngày xưa kia đấy. Lợn này có phải mấy tạ con nhỉ. Gớm ăn tết thế này thì to phải biết". Tôi hỏi "Ngày xưa là bao giờ hả bố?". "À, cái này là ngày xưa là cái hồi ngày xưa của ông Nguyễn Bính thôi con ạ. Bố cũng không biết ngày xưa là thế nào. Nhưng mà ngày xưa người ta hay nuôi lợn một năm mới được thịt đấy". Tôi cũng chẳng hiểu lắm, chỉ thấy bố đọc hay hay. Có những lúc thảnh thơi, thấy bố lại ngâm nga "Đã thấy xuân về với gió đông. Với trên màu má gái chưa chồng. Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm. Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong".
Tôi trêu bố "Bố ơi, cô hàng xóm nào mà mà má hồng lại có cả gió đông thế nhỉ?". "Cô hàng xóm nhà ông Nguyễn Bính đấy", bố trả lời. Thế rồi hai bố con cùng cười. Dường như trong trái tim của bố, quê hương và những điều bình dị của thơ Nguyễn Bính đã trở thành máu thịt, nó gần gụi, thân thiết như chính làng quê tôi, mái nhà của gia đình tôi.
Bố thích mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính. Cứ mỗi lúc nhìn thấy một điều gì đó bố lại liên tưởng đến thơ Nguyễn Bính và đọc. Ngôi nhà của tôi quay mặt ra cánh đồng lúa, Tết đến gần cũng là lúc vào vụ cấy chiêm, nhìn cánh đồng quê bố lại ngâm nga "Mùa xuân là cả một mùa xanh. Trời ở trên cao lá ở cành. Lúa ở đồng tôi, lúa ở đồng nàng. Và lúa ở đồng anh..."
Bố tôi là thế, ông yêu thơ và sống cũng mộc mạc như thơ. Tôi lớn lên và cũng dần dần yêu thơ Nguyễn Bính như bố. Những câu thơ ấy, như một dòng nước tưới mát tâm hồn trẻ thơ, cho tôi lớn lên biết yêu thương những gì đơn giản nhất. Từ những câu thơ giản dị của bố, tôi biết yêu làng quê nghèo chiêm chũng, yêu ngôi nhà ngói, từ vườn cây, ao cá đến tiếng con chó vàng đêm ngủ vẫn u ơ.
Và một ngày nào đó, cứ mỗi độ xuân về, tôi cũng sẽ lại ngâm nga những câu thơ mà bố tôi hằng yêu thích cho những đứa con của mình "Mùa xuân là cả một mùa xanh..."
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Vũ Minh Trang