Bệnh nhân tiền sử mắc viêm gan B 10 năm nay, "chung sống hòa bình" với bệnh nhờ tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị thuốc kháng virus. Tuy nhiên, sau thời gian dài không thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh, cùng tâm lý chuẩn bị đón Tết, bệnh nhân bỏ thuốc điều trị.
Đêm 30 Tết, người bệnh mệt mỏi, ăn uống kém, vàng mắt, vàng da. Khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bác sĩ cho biết đây là đợt cấp của viêm gan B mạn do đột ngột dừng thuốc thuốc kháng virus, lượng virus HBV bùng phát với tải lượng lớn khiến cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại. Bệnh nhân phải điều trị nội trú tại viện.
"Nếu bệnh nhân không đến thăm khám và được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến suy gan, hôn mê gan, mất chức năng gan và nặng nề nhất là tử vong nếu không được ghép gan", TS.BS Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội, nói.
Mắc viêm gan B mạn tính, tức là người bệnh sẽ phải sống chung với virus lâu dài. Hiện, bệnh này chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nên việc quản lý, theo dõi và điều trị đòi hỏi nỗ lực kiên trì, bền bỉ. Thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B có tác dụng ức chế virus HBV, qua đó làm giảm nguy cơ bệnh tiến triển dẫn tới xơ gan, ngăn ngừa viêm gan B lây truyền sang người khác, cũng như hạn chế các biến chứng.
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm ở gan, do virus viêm gan B gây ra. Loại virus này lây truyền chủ yếu qua ba cách, gồm đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con. Do vậy, người bệnh cần chủ động phòng tránh bệnh.
Theo bác sĩ Cường, những xáo trộn trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cùng tâm lý "mải vui" trong kỳ nghỉ Tết khiến không ít người mắc bệnh mạn tính lơ là theo dõi, kiểm soát bệnh. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra các biến chứng trầm trọng, gây khó khăn trong điều trị, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Trong kỳ nghỉ Tết dài ngày, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc đều đặn và đúng liều, đặc biệt không tự ý thay thế bằng thuốc nam, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Nếu phải di chuyển ra ngoài du xuân, chúc Tết, không quên mang theo thuốc, tránh gây gián đoạn hiệu quả điều trị.
Lê Nga