Sáng 17/4, Bộ Nội vụ công bố chỉ số cải cách hành chính 2023 (PAR INDEX) của các bộ và địa phương. Đây là năm thứ 12 Bộ Nội vụ triển khai đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính tại cấp bộ và cấp tỉnh.
Ở nhóm cấp bộ, có 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù là Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Dân tộc được xếp hạng. Riêng Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Quốc phòng chưa được đưa vào đánh giá.
Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt gần 90 điểm, sau đó là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường. So với năm 2022, nhóm bốn bộ ngành dẫn đầu giữ nguyên, song Bộ Tư pháp soán ngôi quán quân của Ngân hàng Nhà nước.
Ba bộ cuối bảng là Công Thương, Ngoại giao và Y tế. Trong đó Bộ Công Thương tụt bốn bậc so với năm ngoái. Bộ Y tế, Ngoại giao năm thứ hai liên tiếp đứng trong nhóm cuối bảng.
Nhóm các tỉnh thành, đứng đầu tiếp tục là Quảng Ninh, tiếp sau là Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ba vị trí dẫn đầu giữ nguyên so với năm ngoái. Đây là lần thứ sáu Quảng Ninh đoạt ngôi quán quân. Hải Phòng lần thứ 11 liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu.
Ba tỉnh xếp cuối bảng là Bình Thuận, Sóc Trăng và An Giang. An Giang bị đánh giá năm qua bộc lộ nhiều hạn chế như chậm công bố thủ tục hành chính, kỷ luật hành chính chưa nghiêm, nhiều nhiệm vụ Chính phủ giao chưa hoàn thành hoặc muộn.
Các chỉ số để xếp hạng PAR INDEX gồm: Công tác điều hành cải cách hành chính, cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Về chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 (SIPAS), Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu, các tỉnh ở vị trí tiếp theo là Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hải Phòng. Nhóm cuối bảng là Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Quảng Nam.
Về mức độ hài lòng của người dân với việc cung ứng dịch vụ cải cách hành chính công, 5 tỉnh dẫn đầu là Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Hưng Yên. Đứng cuối là Bình Phước, Bắc Ninh và Nam Định.
Về chất lượng phục vụ của công chức, 88,8% người dân được khảo sát cho rằng không bị sách nhiễu, 9,97% nói một số ít công chức sách nhiễu, 1,15% nói gặp nhiều công chức sách nhiễu; 90% người dân nói không phải đưa tiền ngoài quy định để được giải quyết công việc.
Năm 2023, Bộ Nội vụ đã ghi nhận phản hồi của hơn 39.700 người dân. Ba nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc cho người dân; chất lượng xử lý kiến nghị và năng lực giải quyết của cán bộ, công chức.
Ngoài ra, người được khảo sát quan tâm đến chính sách liên quan đến điện sinh hoạt và chính sách trật tự, an toàn xã hội.
Chỉ số SIPAS được xây dựng dựa trên bốn yếu tố là trách nhiệm giải trình của chính quyền; cơ hội của người dân tham gia ý kiến với chính sách; chất lượng chính sách; kết quả tác động của chính sách.