Chiều 20/11, ông Nguyễn Văn Phong - Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, chủ trì phiên họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
Ông Phong cho biết thành phố đã thống nhất quan điểm không cách ly tập trung F1 tại nhà ở quận lõi (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng); các quận, huyện còn lại căn cứ vào hướng dẫn của Sở Y tế xây dựng các phương án với F1, gồm cách ly tập trung, tại cơ sở lưu trú hoặc tại nhà.
Phó bí thư Hà Nội yêu cầu chỉ cách ly tại nhà khi đã nghiên cứu kỹ và có tiêu chuẩn cụ thể đáp ứng đủ điều kiện. Sở Du lịch phối hợp Sở Y tế vận động cơ sở lưu trú cùng vào cuộc với thành phố; các địa phương tham khảo hướng dẫn của ngành Y tế và vận dụng linh hoạt, không phân biệt cơ sở lưu trú giữa các quận, huyện.
Cán bộ y tế, công an khu vực, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố phải chủ động, phối hợp rà soát từng nhà về mặt y tế, cơ sở vật chất để thống kê được số hộ có đủ điều kiện cách ly F1 tại nhà; tiến tới điều trị F0 tại nhà... Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm quản lý, điều trị các trường hợp F0 tại nhà; chuẩn bị nguồn lực cần thiết cho Trạm y tế lưu động tại địa phương.
Cùng với việc giao Bộ tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm về công tác cách ly tập trung F1 ở 4 quận lõi, ông Phong yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch.
Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, Hà Nội từng thực hiện tốt cách ly F1, F2 tại nhà đối với một số trường hợp đặc thù (người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai...). Mở rộng cách ly tại nhà cũng sẽ giảm gánh nặng cho cơ quan y tế khi số lượng các F0, F1 tăng. Tuy nhiên, việc này vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ, giám sát của chính quyền địa phương, công tác truyền thông cũng như ý thức người dân khi được cách ly tại nhà
Bà Trần Thị Nhị Hà nhận định, số ca dương tính sẽ tiếp tục tăng với nhiều ổ dịch. Do đó, một số quận, huyện có các ổ dịch cần tăng cường hơn nữa giải pháp phòng, chống dịch, thần tốc truy vết ca bệnh và trường hợp liên quan.
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của thành phố ở mức cao, song các quận, huyện cần đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 cho người trên 50 tuổi.
Trước dự báo ca bệnh Covid-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lãnh đạo thành phố đã giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100.000 ca bệnh và đề nghị cần phải chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, thành phố sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho các F0. Cụ thể, tại Bệnh viện thành phố là cấp độ 1; Bệnh viện tuyến quận, huyện cấp độ 2; trung tâm y tế xã, phường, thị trấn cấp độ 3; cấp độ 4 là khi đã quá tải, điều trị tại nhà.
Phó bí thư Thành ủy cũng yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo thủ đô lên kế hoạch lần lượt cho học sinh các khối lớp đi học trở lại, nghiên cứu sớm cho học sinh lớp 12 được đến trường trực tiếp, không chờ đợi tiêm vaccine xong mới đi học. Các huyện, thị xã tổ chức cho học sinh lớp 9 đi học trở lại vào tuần sau; riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tổ chức cho học sinh đến trường ngay và phải xét nghiệm cho các em trước khi quay lại lớp học.
Hà Nội hiện có 50 cơ sở cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận gần 20.000 người; hiện đang cách ly 7.793 trường hợp là các F1 và người nhập cảnh tại 25 cơ sở cách ly tập trung.
Các quận, huyện đã rà soát, lập danh sách thành lập các khu cách ly tập trung nhằm nâng công suất lên 100.000 chỗ. Tất cả 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án triển khai Trạm Y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Dự kiến, mỗi thôn, xóm, cụm dân cư phải có một địa điểm, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Từ 27/4 đến 10/10, Hà Nội ghi nhận 4.307 ca mắc Covid-19, tương đương trung bình 21,75 ca mỗi ngày, trong đó có 1.320 ca ngoài cộng đồng, chiếm 30,6%. Giai đoạn từ ngày 11/10 đến nay, thành phố ghi nhận 3.148 ca mắc, tương đương trung bình 78,7 ca mỗi ngày, trong đó có 987 ca ngoài cộng đồng (31,35%).
Theo hướng dẫn do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 19/11, các đơn vị áp dụng cách ly F1 tại nhà là 8 quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và Tây Hồ; 17 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.
Võ Hải