Theo Bộ TT&TT, đã có nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn khi chơi Pokemon Go, như dễ bị tai nạn, bị cướp giật khi mải mê chơi game ngoài đường, khi tham gia giao thông.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng lo ngại game ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vì game này có thể thu thập dữ liệu, hình ảnh trong các tòa nhà, địa điểm, vị trí xung quanh người chơi để gửi về máy chủ của nhà phát hành. Thậm chí, dù mới có mặt ở Việt Nam được vài ngày, người chơi đã chia sẻ nhau cách sửa bản đồ thông qua công cụ Map Maker của Google.
Ngoài ra, còn có những nguy cơ tiềm ẩn như bị lộ thông tin, đánh cắp dữ liệu cá nhân của người chơi trên điện thoại (thông tin trong e-mail, địa chỉ liên lạc, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng) nếu cài phiên bản nhái chứa mã độc, virus...
Do vậy, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Cục đang soạn thảo văn bản để gửi tới nhà sản xuất Niantic và nhà phát hành ứng dụng (Apple, Google), yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam.
"Apple và Google đã làm việc với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử một số lần. Hai bên đã có cam kết về việc sẽ phối hợp xử lý những trường hợp vi phạm cụ thể đến quy định pháp luật của Việt Nam", ông Lê Quang Tự Do chia sẻ. "Trong khi đó, về phía nhà sản xuất, Cục sẽ đề nghị Niantic không đưa thú ảo vào khu vực nhạy cảm, bao gồm khu vực cấm, liên quan đến an ninh quốc phòng, khu vực nguy hiểm cho người chơi như sông suối, đường cao tốc, đường ray... và các khu vực tôn nghiêm như đình chùa, nhà thờ".
Phó Cục trưởng cho rằng, Pokemon Go mới chính thức phát hành được 12 ngày nên còn quá sớm để đánh giá đầy đủ các mặt tích cực hay tiêu cực. Bên cạnh đó, những hậu quả cụ thể ở Việt Nam chưa có, trong khi vòng đời của game di động khá ngắn, thường chỉ 3-6 tháng, nên không cần triển khai những biện pháp cứng rắn, mà chỉ cần khuyến cáo người chơi nhận thức về những nguy cơ đã xảy ra trên thế giới.
"Cơ quan quản lý chủ trương tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng. Các doanh nghiệp game trong nước vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ trong khi nhà phát hành game nước ngoài lại không bị ràng buộc, gây ra bất công nên chủ trương của Bộ là yêu cầu mọi nhà phát hành tuân thủ quy định pháp luật. Công ty Niantic cần có biện pháp bảo vệ người chơi như trong trường hợp xảy ra mất mát, khiếu kiện, tranh chấp. Nếu không hợp tác mới dùng đến giải pháp kỹ thuật", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Chiều nay, 17/8, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra khuyến nghị người chơi Pokemon Go cần tuân thủ một số nguyên tắc:
Pokemon Go là trò chơi chưa được cấp phép phát hành tại Việt Nam, vì vậy, khi có tranh chấp phát sinh, ảnh hưởng đến quyền lợi thì sẽ không được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý trò chơi điện tử trên mạng.
Người chơi phải tự bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, tránh lưu trữ thông tin quan trọng, nhạy cảm trên điện thoại cài Pokemon Go cũng như cần kiểm tra cẩn thận để tránh tải phải ứng dụng giả và lừa đảo.
Bên cạnh đó, không được chơi khi đang tham gia giao thông, không chơi ở khu vực nguy hiểm như đường sắt, đường cao tốc, sân bay... hoặc trong khu vực cơ quan của Đảng và Nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và các khu vực cấm.
Pokemon Go là trò chơi tương tác trên điện thoại được công ty Niantic Labs đưa ra thị trường ngày 6/7. Ngay sau khi ra đời, game đã nhanh chóng gây sốt trong giới trẻ. Điều khiến game trở thành hiện tượng là nhờ sự kết hợp giữa thế giới ảo của những con vật tưởng tượng với thực tế quen thuộc là các địa điểm địa lý nơi người chơi đang sống. Từ khi chính thức phát hành tại Việt Nam ngày 6/8 đến nay, game đã đạt hàng trăm nghìn lượt tải trò chơi từ hai ứng dụng App Store và Play Store.