Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến. |
Sau phần báo cáo giải trình bằng văn bản của Bộ trưởng Y tế, đại biểu Lê Quốc Dung nêu vấn đề, khoản đóng góp của nhân dân hiện chiếm 80% chi phí khám chữa bệnh. Viện phí cũng tăng không ngừng, trung bình 12%/năm. Trong khi đó tăng trưởng GDP chỉ có 7%. "Gánh nặng chi phí y tế đang đè nặng người dân. Trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế đến đâu và Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm viện phí, giảm đóng góp của nhân dân", đại biểu Dung chất vấn.
Đại biểu Đoàn Văn Hồng hỏi về việc vì sao mức đầu tư cho y tế dưới 1% GDP, kéo dài quá lâu khiến trang thiết bị xuống cấp.
Trả lời các chất vấn, bà Trần Trung Chiến giải thích mức thu viện phí chỉ bằng 60-70% chi phí thực tế. VN hiện chi 5 USD để chăm sóc y tế cho một người mỗi năm nhưng chi phí thực tế lớn hơn nhiều. Cơ cấu bệnh tật cũng tăng với số người bệnh nằm tại các bệnh viện địa phương đông hơn. Nhưng số giường bệnh đang ở mức trung bình 16,1-6,2 giường/1.000 dân là tỷ lệ thấp nhất so với 15 nước cùng khu vực. Bộ trưởng Y tế đề nghị các bộ ngành chức năng cho phép thay đổi dự án thu một phần chi phí và kiến nghị tăng ngân sách đầu tư hơn để chăm lo cho đối tượng nghèo và chính sách.
Bà Chiến cho biết thêm, đầu tư của nhà nước hiện không đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong những năm vừa qua, Bộ Y tế đã làm nhiều dự án xin tăng tốc độ và cơ cấu đầu tư nhưng việc đầu tư khó khăn. "Có 63 dự án không có ngân sách giải quyết, không có nguồn. 3 trung tâm y tế chuyên sâu phê duyệt 7 năm nhưng không được đầu tư hết", bà Chiến nói.
Chia sẻ những khó khăn của ngành y tế về vốn đầu tư, đại biểu Lê Văn Điệt, tỉnh Vĩnh Long cho rằng, quy định trích 35% viện phí để chi trả lương, 30% dành cho quỹ khen thưởng và 30% tái sản xuất là không phù hợp. Ông Điệt đề nghị, nên giữ nguyên mức trích 70% cho tái hoạt động và 30% để chi trả lương như trước đây. Cũng theo ông Điệt, hiện phụ cấp cho nhân viên trực ca tăng nhưng số người trực bị khống chế, thì thực chất thu nhập theo lao động chưa thực sự cải thiện.
Trả lời chất vấn của đại biểu tỉnh Hà Nam về triển khai Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em và chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, Bộ trưởng cho biết ngay sau khi Luật có hiệu lực Bộ đã chỉ đạo triển khai công tác khám chữa bệnh trẻ em dưới 6 tuổi. Nhưng do những khó khăn đặc thù, một số bệnh viện tuyến cuối như bệnh viên lớn của tỉnh, bệnh viện tại TP HCM, Hà Nội phát sinh tình trạng quá tải bệnh nhân. Lượng bệnh nhi tăng đến gấp đôi. Bệnh viện nhi trung ương trẻ em khám tăng cao, số bệnh nhân điều trị 900-950 lượt. Bệnh viện Nhi đồng 1 có 3.000-4.000 lượt/ngày bệnh nhi đến khám. Tình trạng quá tải làm khó khăn cho ngành y tế như thiếu bác sĩ điều trị, cơ sở vật chất...
Theo Bộ trưởng Chiến, dành riêng cho Chương trình khám chữa bệnh miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi, Quốc hội đã thông qua 780 tỷ đồng, trong đó 561,4 tỷ đồng từ ngân sách Trung Ương, số còn lại do các tỉnh tự cân đối. Chi phí chữa bệnh tối thiểu được quy định 75.000 đồng một trẻ mỗi năm. Bộ Tài chính cũng vừa bổ sung 20 tỷ đồng cho hoạt động khám chữa bệnh miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi.
Nhiều đại biểu bức xúc về tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn có xu hướng gia tăng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong các bệnh viện. Các đại biểu cũng yêu cầu bà Chiến đưa ra những biện pháp cụ thể khắc phục thực trạng này.
Bà Chiến giải trình, quản lý nhà nước về y tế cơ sở còn rất yếu kém, nên mô hình y tế địa phương như trạm y tế huyện xã phường đã hỗ trợ cho công tác này. Bệnh viện tuyến trên phải tập trung chuyên sâu khám chữa bệnh còn trung tâm y tế dự phòng chịu trách nhiệm theo dõi dịch bệnh.
Tới đây, ngành sẽ thực hiện công khai hoá các bảng giá viện phí, kể cả đối với bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho người bệnh phản ánh kịp thời những tiêu cực trong bệnh viện và sẽ có đường dây nóng phục vụ công tác này.
Bà Chiến cũng cho biết, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế cần sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành và toàn dân. Theo quy định về khung bảo hiểm y tế, nếu chi phí chữa bệnh vượt qua khung trần bảo hiểm y tế thì nhà nước sẽ chi trả. Về mức đóng và hưởng chế độ bảo hiểm, người đóng phí cao thì sẽ hưởng chế độ cao.
"Bộ đang xây dựng các thông tư hướng dẫn phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Nhưng về lâu dài cần có sự tham gia của những cấp ngành liên quan", bà Chiến nói. Đơn cử như thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, Bộ sẽ đề nghị sửa đổi theo phương thức bảo hiểm y tế. Bộ cũng mở rộng BHYT tuyến quận huệyn và chi trả Bảo hiểm y tế những mức khác nhau. Tuy nhiên, mức chi trả cụ thể phải xin ý kiến Chính phủ.
Trong phần giải trình văn bản, Bộ trưởng Y tế nói, tình trạng thiếu cán bộ y tế là do do định mức biên chế quá cũ. Tuy nhiên, ngay sau đó, Đại biểu Bùi Thị Bình đã chất vấn: "Tôi hỏi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ này nói từ 2001 đã có văn bản cho phép các địa phương tự chủ trong vấn đề biên chế cán bộ y tế. Vậy sự thực là thế nào, việc thiếu cán bộ chuyên sâu thuộc trách nhiệm của ai? Nếu là trách nhiệm của Bộ Y tế thì Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục?".
Theo Bộ trưởng Chiến, Nghị định 71 đã phân cấp, giao cho Hội đồng nhân dân phê chuẩn về lực lượng lao động chung hàng năm nên các ngành chức năng không tham gia về vấn đề này. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, nghị định khó triển khai vì thiếu hướng dẫn cụ thể.
Ngành y tế đã có đề án về chương trình đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật cao và đã giao cho các trường đại học triển khai. Ngành cũng thử nghiệm mô hình bệnh viện tư, giám tải cho các bệnh viện công và tạo điều kiện nâng cao tay nghề cho cán bộ cơ sở.
Chiều nay, theo kế hoạch, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Minh Hiển và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn.
Nhóm phóng viên