Bệnh viện Ung bướu là một trong những cơ sở y tế quá tải nhất tại TP HCM. Khoa Nội nhi là nơi các em bé điều trị nội trú. Nhiều cháu rụng hết tóc với cái đầu trọc lóc, tay còn cắm ống truyền dịch mà phải nằm dưới gầm giường để điều trị.
Chị Hoa nhà ở Tây Ninh nuôi con nằm viện vì bệnh ung thư máu cho biết, bé đã phải nằm dưới gầm giường từ nhiều tháng nay vì phòng bệnh luôn quá tải. "Nhìn thấy cảnh con phải chui ra chui vào gầm giường mỗi khi lên cơn đau thật xót xa nhưng bệnh viện chật quá đành phải chịu", chị Hoa nói.
Cùng cảnh ngộ, một phụ huynh nhà ở Bến Tre cho biết, con chị cũng phải nằm dưới sàn phòng bệnh từ hồi mới nhập viện đến nay. "Có phòng nằm là may rồi nên chẳng ai có ý kiến gì", chị này nói.
Đại diện khoa Nội nhi cho biết, tình hình quá tải đã kéo dài từ nhiều năm nay. Cảnh bệnh nhân nằm 2-3 người một giường hay phải tá túc dưới gầm giường là chuyện bình thường.
Đông đúc hơn cả là hai khu vực chờ khám bệnh mới và bệnh cũ. Gần 9h sáng, lượng người lấy số thứ tự ngồi chờ đã lên đến hơn trăm trường hợp. Nhiều bệnh nhân ở tỉnh cho biết mỗi lần khám họ phải đi từ tận 21h hôm trước mới mong khám kịp để về luôn trong ngày hôm sau.
"Cứ vài tuần tôi lại phải đưa mẹ đi khám một lần, lần nào cũng khởi hành từ chiều hôm trước, vậy mà có khi đến tận trưa vẫn chưa khám xong", chị Xuân nhà ở Cà Mau nói.
Không chỉ những người nhà ở tỉnh, bệnh nhân nhà ở TP HCM nếu muốn tránh cảnh chờ đợi quá lâu cũng phải đến lấy số thứ tự từ rạng sáng.
Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM khẳng định tình trạng quá tải đến nỗi bệnh nhân phải nằm gầm giường là khó có thể tránh khỏi, bởi diện tích của bệnh viện hiện nay quá khiêm tốn.
"Chúng tôi đã tìm mọi cách để giảm tải cho bệnh viện như chuyển bớt bệnh nhân nội trú sang ngoại trú, chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối tại nhà nhưng vẫn chưa thể giảm bớt quá tải, do mỗi năm số bệnh mới tăng khoảng 8%", ông Minh nói.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc bệnh viện cũng cho hay, tình hình quá tải khiến đội ngũ cán bộ y tế phải hoạt động hết công suất từ 6h sáng đến chiều tối. Trung bình mỗi ngày bệnh viện nhận khoảng 1.500 lượt người đến khám, trong đó khoảng 80% người bệnh ở các tỉnh lân cận.
"Thời gian chờ đợi trung bình của mỗi bệnh nhân sau khi làm thủ tục phải mất hơn 40 phút trong khi thời gian khám chỉ khoảng 5 phút. Bác sĩ làm liên tục nhưng người bệnh còn vất vả hơn, đặc biệt là những người ở tỉnh xa. Chuyện đi khám từ nửa đêm rồi xếp hàng từ 4h sáng không có gì lạ", ông Dũng nói.
Kể cả những người cần được điều trị cũng phải chờ đợi. Hiện có khoảng 800 bệnh nhân cần xạ trị gia tốc nhưng máy móc không còn trống. Theo ban giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, tình trạng quá tải chỉ có thể được khắc phục khi bệnh viện này có thêm cơ sở 2, song phải vài tháng tới công trình này mới được xây phần bờ bao.
"Hiện chúng tôi đã nỗ lực giảm tải bằng cách triển khai đặt lịch khám qua tổng đài điện thoại 1080, lập phòng khám vệ tinh tại quận 2 và liên kết điều trị với Bệnh viện quân y 175 ở Gò Vấp", giám đốc bệnh viện nói.
Bộ trưởng Y tế cho biết sẽ sớm có giải pháp cải thiện tình trạng này. Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ duyệt đề án giảm tải nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó tập trung hàng đầu là chuyên khoa ung bướu.
Trước khi đề án được thực hiện, bà Tiến yêu cầu bệnh viện có kế hoạch lập thêm các ô khám, tăng bác sĩ khám để bệnh nhân bớt cảnh chờ đợi.
Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Y tế thị sát Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Thiên Chương