Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các bệnh viện tuyến trên, cụ thể tại TP HCM gồm Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi Đồng 1 có đến 60% bệnh nhân nội trú đến từ các tỉnh. Họ lẽ ra có thể điều trị tại địa phương.
Quá tải bệnh viện, bệnh nhân nằm gầm giường, hành lang |
"Hầu hết bệnh nhân các tỉnh đổ về bệnh viện tuyến trên chủ yếu là do họ tự đến. Họ chẳng quan tâm đến bảo hiểm vì ở tuyến nào thì bảo hiểm cũng chi trả một phần cho họ. Bộ Y tế phải nhận trách nhiệm về việc phân tuyến điều trị, quy chế khám chữa bệnh ban đầu, quy chế nhập viện chuyển viện và sẽ phải xem lại ngay vấn đề này", bà Tiến nói.
Theo bà Bộ trưởng, nếu các quy chế này quy định chặt chẽ, lượng bệnh nhân tại các bệnh viện ở TP HCM sẽ không quá ùn ứ như hiện tại. Cụ thể là những bệnh nhân có thể điều trị ở tuyến dưới thì không được phép tự ý chuyển lên tuyến trên.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khảo sát tình hình quá tải tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM. Ảnh: Thiên Chương |
Bà Tiến cũng cho rằng, giá dịch vụ y tế giữa các tuyến tỉnh và thành phố bằng nhau cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân từ các tỉnh về TP HCM và các bệnh viện trung ương để điều trị. "Kể cả bản thân chúng ta cũng vậy, nếu giá hai nơi như nhau, vậy thì ai chịu chọn bệnh viện tuyến dưới để điều trị", bà Tiến nói.
Một nguyên nhân khác, mang tính cốt lõi của nạn quá tải bệnh viện tại TP HCM, theo bà Tiến là do đầu tư cho y tế còn chưa được quan tâm.
"Dân số từ ngày giải phóng đất nước đến nay tăng, còn bệnh viện và giường bệnh không thêm bao nhiêu. Đây là vấn đề cần phải xem lại. Không có đất nước nào tôi đến, kể cả châu Phi, lại có cảnh bệnh nhân phải nằm gầm giường như ở nước ta", bà Tiến nói.
Sáng nay, Bộ trưởng Y tế đã thị sát tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn tại TP HCM. Bà chứng kiến cảnh bệnh nhi ở Bệnh viện Ung bướu nằm dưới gầm giường, còn chuyện nằm giường đôi, giường ba, cảnh chờ đợi khám phát thuốc thì bệnh viện nào cũng có. Nhiều bệnh nhân cho biết, họ đã phải nằm đất từ nhiều tháng liền. Những người khám bệnh thì phải vào bệnh viện xếp hàng từ 2h sáng.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, bệnh nhân nội trú của bệnh viện này mỗi ngày khoảng 1.800 người, trong khi chỉ có 700 giường. Đặc biệt, bệnh nhân chỉ dồn vào một số khoa như khoa Nội 1 và Nội 4, không có chỗ nằm. Nhiều người phải ngồi.
"Khoảng hơn nửa bệnh nhân của bệnh viện đến từ các tỉnh, 50% số ấy là bệnh nhân tự đến, số còn lại do bệnh nhân các tuyến chuyển lên", ông Minh nói.
Ngoài chuyện phân tuyến, nhập viện, chuyển viện có vấn đề như Bộ trưởng nhìn nhận, theo bác sĩ Minh nguyên nhân bệnh nhân đổ về Bệnh viện Ung Bướu TP HCM là do các trung tâm ung bướu ở tuyến dưới chưa tạo được lòng tin của bệnh nhân.
"Một số nơi chưa được đầu tư trang thiết bị, số khác có thiết bị nhưng thiếu nhân lực nên không có bệnh nhân. Người bệnh vì thế phải tìm đến những bệnh viện mà họ cho là có uy tín", ông Minh nói.
Hơn 10h sáng 28/11, hàng trăm người ngồi chờ khám ở Bệnh viện chấn thương chỉnh hình. Ảnh: Thiên Chương |
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết, trong số khoảng 1.600 bệnh nhi điều trị nội trú mỗi ngày có khoảng 58% đến từ các tỉnh. Xu hướng bệnh nhân đến từ các tỉnh ngày càng tăng lên, 80% người tự tìm đến viện.
Theo bác sĩ Thượng, nguyên nhân xảy ra nạn quá tải là do diễn biến bệnh ở trẻ ngày càng phức tạp và xảy ra quanh năm. Chính sách miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, hạ tầng cho y tế chưa được đầu tư. Chuyên khoa nhi tuyến tỉnh phát triển chậm, trong khi giao thông giữa thành phố và các tỉnh quá thuận lợi.
"Nếu không có giải pháp can thiệp, tình trạng quá tải sẽ tiếp tục tăng. Điều này dẫn đến khả năng nhiễm trùng bệnh viện, chất lượng điều trị giảm", ông Thượng nói.
Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, Giám đốc Trần Thanh Mỹ cho rằng, nạn quá tải không chỉ xảy ra ở bệnh viện ông mà ngay cả bệnh viện chấn thương chỉnh hình ở các tỉnh cũng như thế.
Nguyên nhân theo bác sĩ Mỹ là do bệnh chấn thương chỉnh hình ngày càng tăng, nhất là chứng bệnh tuổi thọ cao như thoái hóa khớp, bệnh cột sống... "Giá điều trị rẻ cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân đông hơn. Ngoài bệnh nhân Việt Nam, chúng tôi còn phải nhận điều trị cả Việt kiều, người nước ngoài", ông Mỹ nói.
Quá tải, bệnh nhi Bệnh viện Nhi Đồng 1 phải nằm luôn ở gốc cây dưới sân. Ảnh: Thiên Chương |
Nhận trách nhiệm đối với tình trạng quá tải bệnh viện, song Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng giải pháp thuộc về UBND địa phương. Bà nói: "Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cần có báo cáo chi tiết thực trạng để UBND thành phố có hướng giải quyết tình trạng quá tải. Tại sao các công trình khác thường được thực hiện nhanh trong khi công trình phục vụ y tế lại quá chậm chạp".
Giải thích hiện tượng chậm xây mới bệnh viện, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, đơn giá đền bù giải tỏa theo khung nhà nước không cao nên các hộ dân phản ứng không chịu di dời. Thêm nữa, khi đã có đất rồi thì quá trình tư vấn thiết kế, duyệt giá ít nhất cũng mất vài năm.
Theo Bộ trưởng Y tế, đợi đến khi thực hiện các giải pháp lâu dài như xây mới bệnh viện, đầu tư nhân lực, trước mắt, các bệnh viện nên tính đến việc thành lập bệnh viện vệ tinh để chia sẻ bệnh nhân.
Thiên Chương