Chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên họp Quốc hội sáng 14/6, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nêu thực trạng người dân hiện dễ dàng mua thuốc ở các nhà thuốc và người bán tự ý kê thuốc theo triệu chứng người bệnh kể mà không cần toa của bác sĩ. "Bao giờ chấm dứt tình trạng dược sĩ kê đơn thay bác sĩ?", đại biểu Tuân đặt câu hỏi.
Đại biểu Dương Minh Ánh cũng cho biết, khảo sát gần 3.000 hiệu thuốc ở nông thôn, thành thị phía Bắc cho thấy 81-99% thuốc được bán mà không cần đơn bác sĩ. Tình trạng "mua thuốc dễ như mua rau" này dẫn tới nhiều hệ lụy như thuốc bán không đúng đối tượng, lạm dụng kháng sinh, lạm dụng thuốc...
Nhìn nhận thực tế này, Bộ trưởng Tiến nói: “Tôi xin nhận trách nhiệm, nhận lỗi khi dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc mà không cần đơn thuốc của bác sĩ”.
Bộ trưởng cũng thừa nhận quản lý tình trạng này khó vì đã có thông tư ban hành quy định về việc kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn nhưng đơn vị kinh doanh không tuân theo. Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý Dược thí điểm mô hình quản lý nhà thuốc, sắp tới sẽ nhân rộng.
"Sắp tới ngành y tế sẽ đổi mới toàn diện, thanh tra kiểm tra nhiều hơn", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chênh lệch giá ở các quầy thuốc bán lẻ, Bộ trưởng Tiến cho rằng: “Chắc chắn giá giữa các quầy thuốc sẽ khác nhau, chúng ta phải tuân thủ quy luật của thị trường, tuân theo kê khai giá, công khai minh bạch”.
Với gần 700 thuốc biệt dược còn bản quyền, giá cao, Bộ Y tế sẽ áp dụng hình thức đàm phán giá, mua sắm tập trung với hy vọng mua được thuốc giá rẻ hơn. Gần 500 biệt dược gần hết hạn bảo hộ độc quyền giá cao đang được đưa vào đấu thầu rộng rãi. Bộ trưởng Tiến kỳ vọng giải pháp này sẽ giúp giảm thêm 10% giá thuốc trên thị trường.
Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về tình trạng lạm dụng xét nghiệm, mặt trái của tự chủ bệnh viện, xã hội hóa, kéo dài thời gian nằm viện… Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) nói: “Một số bệnh viện lạm dụng xét nghiệm kỹ thuật cao, vì sức ép đảm bảo cân đối thu chi tài chính mà chưa vì quyền lợi người bệnh”.
Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế từ cả 2 phía cơ quan y tế và người dân. Cụ thể, mức hưởng bảo hiểm y tế lớn, cộng thêm quy định thông tuyến nên người dân lạm dụng đi khám nhiều. Có bệnh nhân đi khám 20-30 lần trong một tháng, sáng khám xong chiều khám tiếp, khám ở huyện này lại sang huyện khác khám. Các đơn vị y tế do cơ chế tự chủ, áp lực tăng nguồn thu nên lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế. Một số bệnh viện kéo dài thời gian nằm viện, chỉ định nhập viện khi chưa thực sự cần thiết.
Theo Bộ trưởng Tiến, để giải quyết, Bộ Y tế sẽ tổ chức các quy trình khám chữa bệnh chặt hơn. Bộ tăng cường giám sát đồng thời phối hợp với Bảo hiểm xã hội quy định mức trần chi. Tuy nhiên như vậy quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng. "Mặt nào cũng hạn chế của nó. Bộ cũng sẽ thực hiện nghiêm cơ chế tự chủ, quản lý chặt", Bộ trưởng cho biết.
Để tránh lạm dụng xét nghiệm hoặc khám ở tuyến huyện, tỉnh, trung ương thì bệnh nhân phải xét nghiệm lại, Bộ Y tế đã ban hành thông tư công nhận xét nghiệm lẫn nhau. Từ tháng 6, các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh phải công nhận kết quả xét nghiệm bệnh viện khác. Lộ trình đến năm 2018 sẽ công nhận hết kết quả xét nghiệm ở các cơ sở y tế.
Chiều 14/6, Bộ trưởng Y tế tiếp tục phiên trả lời chất vấn. Trong buổi sáng đã có 18 đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Y tế.