Sau 2 tháng triển khai đường dây nóng trực tại Bộ cũng như tăng cường tại các bệnh viện, Sở Y tế, chiều 20/1, bộ đã họp trực tuyến với các tỉnh, thành.
![j34-5052-1390223489.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/01/20/j34-5052-1390223489.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Kc0n71TXzq_ySv628ikWXw)
Các bệnh viện cần công khai cả số trực đường dây nóng của lãnh đạo bệnh viện. Ảnh: N.Phương.
Theo thống kê, từ ngày 7/11 đến nay, đường dây nóng của Bộ đã nhận được gần 3.000 cuộc gọi, chủ yếu trong giờ hành chính. Hơn 2/3 người dân hỏi ngoài phạm vi tiếp nhận, nhầm số, nhiều cuộc gọi xin tư vấn sức khỏe, đặt lịch khám...
Trong các cuộc gọi đúng phạm vi, gần 40% phản ánh về chuyên môn, thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ; 24% phản ánh về việc làm sai quy định và 16% nói tới tình trạng gian lận, nhận hối lộ của nhân viên y tế.
Từ các phản ánh này, Sở Y tế Hà Nội đã xử lý Bệnh viện Saint Paul không cấp cứu kịp thời một bệnh nhi, chấn chỉnh việc đường dây nóng bệnh viện không có người trực; Sở Y tế An Giang đã chuyển công tác một nhân viên y tế có lời nói coi thường bệnh nhân... Tuy nhiên, vẫn còn đó tình trạng Sở Y tế và bệnh viện chưa trực đường dây nóng 24/24h hoặc chậm xử lý thông tin tiếp nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đường dây nóng là giải pháp tức thời nhằm giúp người dân phản ánh bức xúc về thái độ của nhân viên y tế. Từ đó, nhân viên y tế phải thay đổi để phục vụ người bệnh tốt hơn.
"Có những trường hợp cán bộ y tế không làm tròn trách nhiệm, mà rõ nhất là thái độ ứng xử; thứ hai là tắc trách trong chuyên môn, có thái độ vòi vĩnh. Các thầy thuốc đừng nghĩ người bệnh đến khám chữa bệnh là phải xin, phải cầu cạnh. Phải hiểu rằng có bệnh nhân mới có mình, không có bệnh nhân thì bác sĩ sinh ra để làm gì", người đứng đầu ngành y tế nói.
Bộ trưởng Y tế đề nghị các Sở Y tế tiếp tục gắn hoạt động đường dây nóng với quản lý chất lượng bệnh viện, xây dựng hệ thống quản lý thông tin và xử lý phản hồi của người bệnh, thu thập ý kiến đóng góp qua email, camera giám sát.
Nam Phương