Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về an toàn thực phẩm ngày 5/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu vấn đề "tại sao văn bản quy phạm khá đồng bộ mà các vụ ngộ độc ngày càng nhiều", nguyên nhân nằm ở khâu sản xuất, ý thức của người tiêu dùng hay do mở cửa hội nhập mà chưa kiểm soát đầu vào tốt?
Theo bà, tình trạng mất an toàn thực phẩm có trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp, nhưng trong thực tế nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa coi trọng sức khoẻ người tiêu dùng, không thực hiện nghiêm các quy định liên quan.
"Chính vì vậy mới có chuyện 2 chuồng lợn, 2 luống rau, một để ăn, một để bán; rồi bơm hoá chất vào tôm, dùng thịt ôi làm ruốc…”, Bộ trưởng Y tế nói.
Từ thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh “phải kêu gọi lương tri của người sản xuất”, để họ không vì lợi nhuận mà cố tình làm trái pháp luật, bất chấp tính mạng, sức khoẻ người tiêu dùng.
"Đói thì phải ăn, làm sao tiêu dùng thông minh được"
“Người tiêu dùng thông thái, nhà sản xuất có lương tâm” cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong phiên thảo luận.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không nên nói quá nhiều đến các biện pháp hành chính mà cần xây dựng người tiêu dùng thông thái. Vì hơn ai hết, họ hiểu được thế nào là thực phẩm sạch và việc dùng thực phẩm an toàn có lợi thế nào với sức khoẻ.
Không đồng tình với cách tiếp cận trên, đại biểu Thái Trường Giang thẳng thắn nói "tôi không hiểu khái niệm thông minh, thông thái như thế nào khi xung quanh chúng ta len lỏi những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh rất ác độc".
Dẫn số liệu từ báo cáo giám sát, ông Giang nêu, mỗi năm có 70.000 người chết và hơn 200.000 ca mắc mới ung thư, và theo một số nghiên cứu thì 35% ca ung thư do thực phẩm không an toàn. “Chúng ta thông thái cỡ nào khi đi ra đường nhòm đâu cũng không thấy thực phẩm không an toàn, thực sự là như vậy. Rất là mong Quốc hội xem xét, đưa một số vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vào Bộ luật hình sự sắp tới để tăng cường tính răn đe”, ông Giang đề nghị.
Đồng tình ông Giang, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng khi nghe nói đến tiêu dùng thông minh thì người dân nghe sẽ cảm thấy rất buồn, không đồng tình. Bởi vì, việc tiêu dùng thông thái tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh nhất định, với đa số người nông dân thì "đói phải ăn, khát phải uống".
Ông Học nhấn mạnh: "Không có sự lựa chọn nào khác thì đòi hỏi người ta thông minh, thông thái như thế nào", và cho rằng vấn đề cần đặt ra ở đây là công tác quản lý trong thời gian qua đã tốt chưa? Vì sao có một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến an toàn thực phẩm?
"Vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là tội ác"
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng với vấn đề người tiêu dùng thông thái, điều quan trọng là thiết lập hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để giúp phân biệt được thực phẩm có an toàn hay không; cùng với đó là đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm; mua sắm trang thiết bị kiểm tra thực phẩm cho các chợ đầu mối, siêu thị, để “nếu người tiêu dùng không thể kiểm tra thực phẩm bằng mắt thường thì có điều kiện sử dụng các máy móc này”.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc thực thi nghiêm pháp luật, mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ra một số tỉnh, thành.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ việc Quốc hội ban hành nghị quyết mới về vấn đề an toàn thực phẩm là cần thiết. Theo ông, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh cần coi các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là tội ác, do vậy phải sửa đổi quy định pháp luật về hình sự để xử lý thật nghiêm.
Võ Hải