"Cái gì khó khăn, phiền nhiễu phải được cắt giảm, người bệnh và doanh nghiệp bị sách nhiễu thì phản ánh để Bộ Y tế xử lý", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói tại hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2024, ngày 26/3. Đây là diễn đàn trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong khám chữa bệnh.
Đến nay ngành y tế đã cắt giảm 92 thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhiều bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử, liên thông khám chữa bệnh và điều trị từ xa; ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Trước kia, bệnh viện chủ yếu quản lý, lưu trữ hồ sơ dưới dạng văn bản giấy và phim, tốn kém chi phí. Các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ rời rạc, dễ nhầm lẫn, thất lạc. Nay, công nghệ số giúp phim chụp có kết quả rất nhanh, bác sĩ có thể xem bất kỳ chỗ nào, bất kỳ đâu; người bệnh thanh toán chi phí không dùng tiền mặt.
PGS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhìn nhận chuyển đổi số y tế giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ, nhân viên y tế rút ngắn thời gian làm việc, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, bệnh viện tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. "Hiệu quả nhất là ở khâu tiếp đón và thanh toán viện phí, bởi giảm thời gian chờ đợi thủ tục", ông Cơ nói.
Tuy nhiên, thực tế, việc chuyển đổi số y tế vẫn còn chậm. Đơn cử, đến nay mới có 59 bệnh viện (gồm cả công lập và tư nhân) triển khai bệnh án điện tử, trong đó chỉ có vài bệnh viện hạng I, chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào chuyển đổi. Trong khi mục tiêu của Bộ Y tế (thể hiện ở Thông tư 46) là đến hết năm 2023, tất cả cơ sở khám chữa bệnh hạng I (135 bệnh viện) nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai bệnh án điện tử.
Nguyên nhân chậm trễ, theo PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, có ba điểm nghẽn. Trong đó, lãnh đạo cơ sở y tế chưa quan tâm đến chuyển đổi số y tế. Một số bệnh viện chú trọng phát triển chất lượng, kinh tế, chưa sâu sát ứng dụng công nghệ.
Ngoài ra, cơ chế chính sách, đặc biệt cơ chế tài chính liên quan chuyển đổi số chưa có, chi phí công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá viện phí. Hiện kinh phí dành cho công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh đều dựa vào ngân sách Nhà nước cấp, các chương trình dự án, hoặc dựa vào bố trí của từng cơ sở y tế, không có hạng mục riêng. Kỹ thuật cũng là điều khó khăn trong chuyển đổi số y tế. Các bệnh viện lúng túng trong lựa chọn, sử dụng các phần mềm hiện có trên thị trường.
Trước bối cảnh này, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Theo đó, dự thảo này đề xuất đến năm 2026, các bệnh viện, viện có giường bệnh từ tuyến tỉnh trở lên phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Đến 2030, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Như vậy, Bộ Y tế đề xuất lùi thời hạn từ 2023 sang hết năm 2025.
Bên cạnh đó, trung tâm Thông tin Y tế quốc gia đang đồng bộ dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử với tất cả cơ sở y tế. Trong đó tập trung 4 nền tảng là hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý trạm y tế. Mục tiêu hướng tới người dân đi khám không cần khai tiền sử bệnh tật.
Lê Nga