Tham gia giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội chiều 27/10, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, nguyên nhân chậm thanh toán bảo hiểm y tế là vướng mắc liên quan Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146. Một số nội dung quy định chưa thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến khó khăn khi áp dụng tổng mức thanh toán của bảo hiểm y tế. "Không được thanh toán là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong mua sắm, đấu thầu", bà Lan nói.
Để tháo gỡ, Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu sửa Nghị định 146. Hiện dự thảo được Bộ Tư pháp thẩm định. Trong thời gian chờ nghị định mới, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bộ cũng phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, hạn chế lạm dụng trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế để đảm bảo an toàn quỹ.
Trước đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM) nêu thực trạng nhiều người đến bệnh viện khám, phàn nàn về chất lượng nhất là khi dùng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, bệnh viện than thở "lực bất tòng tâm", bởi thiếu rất nhiều thứ, từ nhân lực, thuốc chất lượng đến trang thiết bị.
Quỹ Bảo hiểm y tế được lập ra với mục tiêu tốt là để người không có bệnh góp lo cho người có bệnh. Nhưng vì khó tăng thu quỹ nên các cơ quan tìm cách giảm chi từ quỹ. "Các bệnh viện bị ép giảm chi bảo hiểm y tế từ giá dịch vụ, thuốc, vật tư đến mức không đúng với giá của nó. Ép càng rẻ càng tốt. Nhưng khi thanh toán vẫn không dễ dàng", bà Phong Lan phản ánh.
Bà dẫn chứng, các bệnh viện tại TP HCM đang bị Quỹ Bảo hiểm y tế từ chối thanh toán 1.400 tỷ đồng vì tổng mức thanh toán bị vượt quá. Nguyên nhân là số bệnh nhân tăng. Đó là thực tế "rất vô lý".
"Không biết đến bao giờ ước mơ bình thường của cán bộ y tế thành hiện thực là được tập trung vào chuyên môn khám chữa bệnh, không phải hàng ngày đối phó với quy trình mua sắm, thanh toán, nguy cơ bị xử lý hành chính, hình sự", nữ đại biểu TP HCM nói.
Liên quan đến việc thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng có hai yếu tố quan trọng là cấp giấy đăng ký lưu hành và mua sắm, đấu thầu. Thời gian qua, việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc gặp khó khăn do dịch bệnh, doanh nghiệp chưa kịp chuẩn bị hồ sơ, cơ quan thẩm định chưa đánh giá được thực tế, nhà máy sản xuất, chuyên gia bị ảnh hưởng.
Vì vậy, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải quyết đăng ký lưu hành thuốc. Bộ Y tế đã công bố danh mục hơn 10.000 thuốc hết hạn lưu hành trong năm 2022, tiếp tục được gia hạn đến cuối năm. Vì vậy, nguồn cung ứng thuốc trên thị trường được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, ở một số bệnh viện vẫn xảy ra thiếu thuốc cục bộ. Bộ Y tế đã đánh giá, đưa ra giải pháp, tham mưu phù hợp. Luật Dược và các quy định liên quan đang được nghiên cứu sửa đổi. Nhiều quy định rất rõ nhưng một số nơi thực hiện lúng túng, nên Bộ Y tế sẽ tăng cường hướng dẫn.
Giải thích về tình trạng nhân viên y tế thôi việc, chuyển từ khu vực công sang tư, Bộ trưởng Y tế nói đây là xu hướng chung của nhiều nước sau đại dịch. Tổ chức Y tế thế giới ước tính trong năm 2022, toàn cầu thiếu 15 triệu nhân lực y tế. Việt Nam không nằm ngoài làn sóng này, nhưng có điểm đặc biệt là thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nhân viên y tế thấp hơn trung bình thế giới (trung bình 10.000 dân có 10 bác sĩ, 13 điều dưỡng).
"Quy mô nhân viên y tế thôi việc diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến, từ cơ sở, bệnh viện địa phương đến trung ương", bà Lan nói, cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi quy định để tăng trợ cấp với nhân viên y tế.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.