Trước thực trạng Bộ Giao thông Vận tải không còn tiền để đầu tư hạ tầng, chiều 28/10, tại buổi thảo luận dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Quốc hội bố trí khoản ngân sách 40.000 tỷ đồng thu vượt từ dầu thô cho các công trình trọng yếu của ngành giao thông.
Lý giải về việc phát sinh khoản ngân sách khổng lồ này, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia cho biết, hiện giá dầu thô theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí cao hơn giá đang được Quốc hội sử dụng để tính toán nên năm 2011 và 2012, tổng thu ngân sách từ dầu thô tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Thăng, nếu được Quốc hội đồng ý, 40.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho các công trình trọng điểm, trong đó có hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam; xử lý công trình giao thông dang dở đang gây bức xúc cho người dân; giải quyết gần 570 cầu yếu; tách cầu đường sắt và cầu đường bộ...
Theo kế hoạch, năm 2015 ngành giao thông sẽ hoàn thành 600 km đường cao tốc Bắc - Nam. Và Bộ trưởng Thăng cho hay, chỉ có được ưu tiên vốn thì năm 2020 mới có thể hoàn thành toàn tuyến cao tốc dài hơn 2.000 km này.
Quốc lộ 32 (Nhổn - Cầu Diễn), tuyến huyết mạch phía Tây Bắc Hà Nội từng được ví là "con đường đau khổ" thi công ì ạch 10 năm chưa xong. Ảnh: Nguyễn Lê. |
Trong bài phát biểu buổi sáng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, do hàng năm Bộ Giao thông đều thiếu vốn nên năm nay Bộ muốn ứng khoảng 3.700 tỷ đồng nữa để đầu tư tiếp, nhưng quy định hiện hành không cho phép ứng vốn và hậu quả là hàng loạt dự án của Bộ Giao thông rơi vào tình trạng dở dang.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cũng đề nghị nên sớm làm đường bộ cao tốc Hà Nội - TP HCM và nên thuê các công ty uy tín của nước ngoài thiết kế, tư vấn, giám sát thì "chắc chắn đất nước sẽ có một khuôn đường bộ cao tốc Bắc - Nam có chất lượng tốt".
"Đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương mới đưa vào sử dụng đã có nhiều chỗ hư hỏng là vì quân ta thiết kế, quân ta giám sát, quân ta tự thi công", ông Thanh bày tỏ sự mất lòng tin vào các nhà thầu trong nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội ngay trong năm 2012 cần tập trung mọi nguồn lực để có thể đầu tư làm đường cao tốc xuyên Việt. Đó là chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng nhất, phải xong trước năm 2020.
"Sau 36 năm thống nhất đất nước nhưng quốc lộ 1A chưa bao giờ ngưng nâng cấp và cải tạo, đường sắt sau hơn 100 năm xuất hiện ở Việt Nam với khổ hẹp một mét, với hàng chục cầu chung, hàng nghìn đường giao cắt đến nay vẫn cơ bản như cũ. Chúng ta đang bỏ ra rất nhiều tiền để kiên cố hóa đường sắt khổ một mét là kéo dài sự tụt hậu", đại biểu Nam bày tỏ bức xúc.
Nằm trên trục Bắc - Nam, đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài hơn 50 km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc 100-120 km một giờ. Tổng đầu tư của dự án được phê duyệt ban đầu là hơn 5.400 tỷ đồng nhưng sau đó tăng lên gần 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 6 năm thi công, tuyến đường này vẫn chưa thể hoàn thành. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn đầu tư. |
Tiến Dũng