Trả lời câu hỏi của VnExpress liên quan đến sự cố vỡ đập Đầm Hà (Quảng Ninh) bên hành lang Quốc hội sáng 31/10, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đoàn kiểm tra của Bộ đã có mặt tại hiện trường để xem xét nguyên nhân.
Theo ông Dũng, sẽ phải chờ thêm kết quả của Cục Giám định, tuy nhiên kiểm tra bước đầu cho thấy có sự bị động của cơ quan quản lý đập khiến việc xả tràn không hiệu quả khi nước lên nhanh. Hậu quả đến 5h30 sáng 30/10, một đoạn đập phụ dài 50 m bị vỡ, gây ngập nhiều hộ dân xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà.
Bộ trưởng Dũng cũng thông tin, kết quả kiểm tra hồ đập trên cả nước mà Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo lên Thủ tướng trước mùa mưa lũ thì đập Đầm Hà không thuộc diện yếu, cần gia cố hay khắc phục. Đập có dung tích 15 triệu m3, chiều cao 27,5 m, là đập có quy mô trung bình, theo phân cấp do Bộ Nông nghiệp quản lý và dự án này cũng do Bộ Nông nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng.
Sáng 31/10, sau buổi thị sát và nghe báo cáo về sự cố vỡ đập, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ an toàn của hồ, đập để có phương án khắc phục.
“Vụ việc trên cho thấy lỗ hổng trong quản lý xây dựng đập hồ. Vỡ đập ở huyện Đầm Hà là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân”, Thứ trưởng nói và đề nghị tỉnh cần nhanh chóng khắc phục sửa chữa đập Đầm Hà Động để có thể đi vào hoạt động trước tháng 4/2015.
Công trình thủy lợi hồ chứa nước đập Đầm Hà Động được khánh thành năm 2011 sau hơn 5 năm xây dựng, với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách địa phương.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh, sự cố vỡ đập Đầm Hà không có thiệt hại về người. Nhưng nước lũ về đột ngột làm đổ một nhà cấp 4, 88 nhà dân bị ngập lụt. Nước lũ cũng làm ngập nền nhà tầng một của Bệnh viện huyện và hư hỏng một số thiết bị máy móc. Một số ít bờ kè, kênh mương bị sạt lở. Thiệt hại ước tính 20 tỷ đồng. Về công trình, trước khi vỡ đập phụ số 2, nước đã tràn qua đập chính theo vết lũ xác định tại tháp cống lấy nước. Mực nước lũ đã cao hơn đỉnh đập phần đất là 1,15 m, cao hơn đỉnh tường chắn sóng khoảng 35 đến 40 cm. Do nước tràn trên đỉnh đập trong khoảng thời gian dài nên hai vai đập chính đã bị xói nghiêm trọng, toàn bộ mái hạ lưu bị bóc hết lớp cỏ và xói sâu vào mái đập trung bình từ 20 đến 40 cm. Đỉnh đập bị bóc một số đoạn, một vài cột điện bị đổ, tháp van hạ lưu bị xói phần bảo vệ mái. |
Chí Hiếu - Minh Cương