- Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào vốn vay ngân hàng dẫn đến tình trạng đóng băng khi bị siết vốn?
- Bất động sản đóng băng có nhiều nguyên nhân trong đó một trong các lý do là phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng. Vốn ngân hàng khó tiếp cận, lãi suất lại cao nên thị trường khó khăn. Ngoài ra, thị trường gặp khó do mãi lực rất thấp, nhiều phân khúc đang dư thừa so với nhu cầu của thị trường.
Theo tôi, việc cần giải quyết lúc này là tạo vốn cho thị trường, trong đó kênh tín dụng rất quan trọng. Không chỉ lo cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn, ngân hàng phải ưu đãi lãi suất cho cả người mua. Nếu thị trường chỉ có người bán mà người mua thiếu tiền thì không thể có giao dịch. Thêm vào đó, cần cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản như tăng mô hình nhà ở có diện tích vừa và nhỏ phù hợp với nhu cầu thị trường.
- Thị trường địa ốc Hà Nội ế ẩm suốt từ quý II/2011 đến nay, theo ông, khi nào sẽ thoát khỏi đáy suy giảm?
- Tôi cho rằng thị trường bất động sản đang chạm đáy, nhưng đáy này theo hình nào thì phải nghiên cứu. Thời gian bất động sản ảm đạm đã quá dài, vì thế khó có thể coi đây là đáy hình Parabol được. Cụ thể ở Hà Nội thì từ quý II/2011 còn TP HCM từ năm 2009. Nhưng giờ đã có tín hiệu sáng hơn, vì số lượng các giao dịch bất động sản đã tăng lên. Tuy nhiên, trong năm 2012 này, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Hoàng Lan |
- Nhiều chủ đầu tư bất động sản than rằng đang sống dở chết dở, không triển khai được dự án vì đói vốn, còn cá nhân ông đánh giá thế nào về sức khỏe của họ?
- Tôi rất chia sẻ với họ, vừa qua là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn. Nhưng cần phân loại rõ. Đơn vị sẽ rất khó khăn nếu chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Họ rơi vào tình cảnh vay nhiều mà không bán được hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao, dẫn đến từ lãi thành lỗ và nợ xấu tăng lên. Không ít trường hợp ngừng hoạt động hoặc phá sản dẫn đến đời sống của người lao động bị ảnh hưởng.
Các doanh nghiệp sử dụng ít tiền vay, mà huy động nguồn vốn của người dân mua nhà, hiện cũng khó khăn.
Còn những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn thì không phải bàn.
- Nếu một người hỏi có nên mua nhà thời điểm này không, ông sẽ khuyên họ thế nào?
- Tôi cho rằng nếu bạn mua nhà để ở thì nên tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình. Trường hợp mua nhà để kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ hơn.
- Một số doanh nghiệp đề xuất xây nhà siêu nhỏ rộng 25 m2 nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, vực thị trường đi lên. Nhưng các chuyên gia lo ngại mô hình này sẽ biến khu đô thị thành ổ chuột, quan điểm của ông thế nào?
- Luật Nhà ở 2005 quy định nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 45 m2, nhà ở xã hội có diện tích 30 - 60 m2. Luật Nhà ở khi đó chưa đề cập hết được những yếu tố tác động đến yêu cầu phát triển và diện tích nhà ở. Số liệu điều tra dân số tháng 4/2009 cho thấy đã có xu hướng giảm số người trong mỗi hộ. Ví dụ như năm 1999, bình quân là 4,5 người mỗi hộ, đến năm 2009 chỉ còn 3,7.
Hiện cả nước có khoảng 6,9 triệu hộ gia đình ở khu vực đô thị. Trong đó, hộ có số người từ 4 trở lên là khoảng gần 52%. Còn số hộ có từ 3 người trở xuống là khoảng 48%, trong đó hộ độc thân chiếm 8%. Một số nước như Trung Quốc quy định diện tích căn hộ tối thiểu chỉ có 20 m2, Hàn Quốc còn nhỏ hơn. Singapore hay một số nước đều xấp xỉ 20-25 m2, thậm chí 15 m2. Hay như tại Monaco (Pháp) có những căn hộ studio chỉ có 15- 20 m2 và người ta cũng rất thích ở những căn hộ như vậy.
Theo tôi, nhu cầu thực tế của người dân là nếu được ở căn hộ khang trang nhưng diện tích vừa phải, giá rẻ. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp này và chuẩn bị đưa vào dự thảo Nghị định để trình Chính phủ. Những căn hộ này có 1,2 hoặc 3 người vào ở thì rất tốt.
- Nhiều căn hộ chung cư mới đưa vào sử dụng đã lún nứt, khiến người dân thiệt đơn thiệt kép. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về tình trạng này?
- Phần lớn các chung cư thương mại, phát triển theo nguyên tắc thị trường, có chất lượng tốt, tuy nhiên giá còn cao, người dân khó tiếp cận. Các chung cư thương mại ở phân khúc trung bình cũng có chất lượng tốt như khu Mỹ Đình, Trung Hòa Nhân Chính... Các hiện tượng suy giảm chất lượng chung cư thường xảy ra đối với nhà tái định cư. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, tiếp theo là nhà thầu.
Khi có phản ánh chi tiết những chung cư chất lượng kém, chúng tôi sẽ yêu cầu Sở Xây dựng đến kiểm tra. Bộ cũng sẽ yêu cầu Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình và Thanh tra xây dựng vào cuộc.
Hoàng Lan