Anne Spiegel, Bộ trưởng Gia đình Đức, hôm 11/4 từ chức vì "áp lực chính trị" và "để tránh gây thiệt hại cho chính quyền, nơi đang phải đối mặt với những thách thức chính trị to lớn".
Nữ bộ trưởng 41 tuổi xin lỗi vì đã đi nghỉ 4 tuần ở Pháp cùng gia đình hồi tháng 7 năm ngoái. Chuyến đi diễn ra 10 ngày sau khi khu vực Rhineland-Palatinate và Bắc Rhine-Westphalia xảy ra trận lũ lụt khiến hơn 180 người thiệt mạng.
Spiegel khi đó là người đứng đầu cơ quan môi trường kiêm phó thống đốc Rhineland-Palatinate, bang tây bắc nước Đức. Kỳ nghỉ mới được truyền thông đưa ra ánh sáng. Bà đã khóc khi giải thích lý do chuyến đi, cho biết chồng bị đột quỵ năm 2019 và cần tránh căng thẳng, trong khi đại dịch và khối lượng công việc của bà đã khiến 4 con nhỏ thiếu cơ hội vui chơi.
"Tôi quyết định tới đó vì gia đình", Spiegel nói.
Bà nhấn mạnh đã làm việc không nghỉ ngơi suốt những ngày trước kỳ nghỉ để giúp đỡ khu vực bị ảnh hưởng và vẫn duy trì chỉ đạo khắc phục hậu quả trong suốt kỳ nghỉ. Spiegel cũng đã trở về Đức trong một ngày để tới thăm khu vực Ahr bị ảnh hưởng nặng, sau đó trở lại Pháp để tiếp tục kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, Spiegel thừa nhận đã không tham gia cuộc họp của chính quyền bang suốt kỳ nghỉ, trái với tuyên bố trước đó. Các chính trị gia đối lập kêu gọi Spiegel từ chức. Friedrich Merz, lãnh đạo đảo trung hữu CDU, chỉ trích bà chỉ quan tâm tới "kỳ nghỉ và hình tượng bản thân hơn là số phận người dân vùng Ahr".
Spiegel là thành viên đảng Xanh, đảng lớn thứ hai trong liên minh chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz. Bà gia nhập nội các của Scholz hồi tháng 12/2021. Ông Scholz bày tỏ "tôn trọng" quyết định của Spiegel và "xúc động" trước tuyên bố cá nhân của bà.
Ngoại trưởng Annalena Baerbock, thành viên đảng Xanh, nhận định sự ra đi của Spiegel cho thấy "chính trị tàn khốc như thế nào". "Nước Đức đã mất đi một bộ trưởng gia đình vô cùng tuyệt vời, người đã nỗ lực hết sức chống lại tình trạng trẻ em đói nghèo", Baerbock nói.
Tuần trước, Ursula Heinen-Esser, người đứng đầu cơ quan môi trường Bắc Rhine-Westphalia cũng từ chức sau khi truyền thông hé lộ thông tin bà đã tới Mallorca, đảo ở Tây Ban Nha, ăn mừng sinh nhật chồng chỉ vài ngày sau trận lũ.
Động thái từ chức của hai quan chức diễn ra trong bối cảnh người dân bất bình với cách chính quyền xử lý lũ lụt năm ngoái. Trận lũ thảm khốc nhất trong lịch sử hiện đại nước Đức đã phá hủy đường sá, cầu cống, hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở kinh doanh. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ hệ thống cảnh báo lũ lụt của Đức, dù trước đó các cơ quan thời tiết đã dự báo những khu vực có thể hứng chịu mưa lớn.
Hồng Hạnh (Theo AFP)