Phát biểu kết thúc Diễn đàn quốc gia Doanh nghiệp công nghệ ngày 9/5, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ rất trăn trở về vấn đề "bảo hộ ngược". Trong khi các doanh nghiệp nội phải tuân thủ quy định nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới chiếm 70% doanh thu quảng cáo trong không gian số (như Google, Facebook...) lại không nộp thuế, không tuân thủ luật pháp Việt Nam.
"Chúng ta là nước có chủ quyền, luật lệ, lực lượng trong tay, nên không để kéo dài tình trạng này. Phải tiến tới việc bất kỳ doanh nghiệp nào đến Việt Nam làm ăn cũng phải tuân thủ luật pháp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đồng ý với đề xuất của doanh nghiệp về việc nên ưu tiên các doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất.
"Tôi cho rằng đề xuất này là đúng, Bộ sẽ nghiên cứu", ông nói và phân tích thêm ví dụ trong lĩnh vực nội dung số. Cho rằng, đây là lĩnh vực có thể phát triển được, song theo Bộ trưởng, Việt Nam đang gặp vấn đề là tỷ lệ doanh thu quá thấp trong lĩnh vực viễn thông, chỉ bằng một phần ba hoặc một phần tư so với các nước trong khu vực. Con số này đáng lẽ phải đạt khoảng 4 tỷ USD nhưng đến nay mới được một tỷ USD.
Bộ trưởng cho rằng, có một vấn đề nằm ở chính sách ăn chia của các nhà mạng và công ty nội dung. Ở những nước nội dung số phát triển, tỷ lệ ăn chia thường là 30% doanh thu thuộc về nhà mạng và 70% thuộc về nhà cung cấp nội dung. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ này thường là 60% với các nhà mạng.
Về vấn đề phát triển những mô hình, sản phẩm công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng rất khó để có ngay một chính sách về vấn đề sandbox (khung pháp lý thử nghiệm với những mô hình mới). Vì đây là một vấn đề mới, các doanh nghiệp nên thử trước một vài lần.
Ông lấy ví dụ về chuyện phát triển mobile money và cho rằng đây là một chủ trương lớn mà Bộ Thông tin & Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất triển khai dịch vụ này, đồng thời đề xuất lên Thủ tướng. Khi chính sách này được triển khai, các doanh nghiệp viễn thông sẽ trở thành ngân hàng, người dân có thể nạp tiền vào tài khoản nhà mạng rồi dùng điện thoại di động để chuyển tiền cho nhau hoặc chi tiêu hàng hoá có giá trị nhỏ.
Taxi công nghệ cũng là một ví dụ cho việc thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam. Ông nói, sau một hai năm thử vài mô hình, các vấn đề sẽ lộ ra và việc tìm giải pháp để triển khai sandbox sẽ rõ ràng.
Theo Bộ trưởng Hùng, để thử nghiệm sản phẩm công nghệ mới, các doanh nghiệp nên đến những tỉnh thành nhỏ sẵn sàng chấp nhận cái mới hơn. Ông kể lại câu chuyện về một thành phố tại Thụy Sỹ từng là nơi nghèo nhất và mất hàng chục năm loay hoay tìm hướng đi. Cách đây 4 năm, chính quyền tại đây quyết định cho thử nghiệm triển khai blockchain. Khi đó blockchain mới ra đời và nhiều nước chưa muốn cho áp dụng vì sợ phá hủy ngân hàng.
"Những người làm blockchain nghe nói tại đây cho phát triển thì đổ xô đến. Giờ đây, nơi này là thành phố số một thế giới về công nghệ blockchain. Từ ngân hàng, truy xuất hoa quả, quản lý thẻ điện thoại... đều sử dụng", Bộ trưởng chia sẻ.
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cho biết gặp khó về việc liên quan đến nhiều bộ ngành. Người đứng đầu ngành Thông tin & Truyền thông cho biết đây là điều khó tránh khỏi.
"Tuy nhiên, từ nay, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ICT nếu có vấn đề với luật pháp, có thể lấy Bộ Thông tin & Truyền thông làm đầu mối, hoặc giả sử ngay cả khi việc này liên quan đến các bộ ngành khác, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm đi nói chuyện với họ", ông Hùng nói. Người đứng đầu Bộ này cũng nhấn mạnh sẽ bảo trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bởi đó là thành phần chính trong cuộc cách mạng số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguyễn Hà