Chiều 19/12, phát biểu tại cuộc họp với UBND TP Hà Nội, TP HCM cùng một số bộ ngành về tình hình ô nhiễm không khí, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà nêu bốn giải pháp cấp bách.
Đầu tiên, ông cho rằng chính quyền Hà Nội và TP HCM có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực để duy trì, phát triển hệ thống quan trắc về chất lượng không khí. "Đây là lĩnh vực mà chúng ta không được phép tiết kiệm. Bằng mọi cách phải đảm bảo đủ số lượng điểm quan trắc để có thông tin chính xác về chất lượng không khí, cung cấp hai lần mỗi ngày cho người dân", ông Hà nói.
Theo ông, khi không khí ở mức nguy hại thì chính quyền phải cung cấp thông tin ngay cho người dân, kèm theo khuyến cáo những biện pháp bảo vệ sức khỏe mà Bộ Y tế đưa ra. "Trong những ngày đó, người dân phải được khuyến cáo để chủ động bố trí công việc, đặc biệt với trẻ em đi học, nếu cần thiết để các em trong nhà. Khi ra đường, mọi người sử dụng các loại khẩu trang phù hợp để đảm bảo an toàn", ông nói.
Giải pháp thứ hai được ông Hà nêu ra là, vào những ngày ô nhiễm không khí, UBND các thành phố cần có kế hoạch phun nước rửa đường; điều tiết các luồng giao thông ở khu vực đông dân cư có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
"Cảnh sát cần phân luồng để xe cá nhân không đi qua khu vực mật độ giao thông quá lớn, chia sẻ bớt các nguồn thải. Cùng với đó, xe tải đi vào Hà Nội phải được che chắn, rửa xe đầy đủ", bộ trưởng Hà nói.
Giải pháp thứ ba, ngay sau cuộc họp này, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng đưa ra quy định về bảo vệ môi trường với các công trình xây dựng. Theo đó, dù công trình lớn hay nhỏ, công sở hay của người dân đều sẽ có hướng dẫn cụ thể "vật liệu để đâu, chất thải xử lý thế nào, che chắn công trình ra sao".
Giải pháp thứ tư liên quan đến thói quen sinh hoạt của người dân. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường đề nghị UBND các tỉnh xung quanh Hà Nội có biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch. Đồng thời, chính quyền thủ đô cần vận động người dân dùng bếp than tổ ong chuyển sang sử dụng loại bếp khác, nhất là trong những ngày ô nhiễm. "Đến năm 2021, Hà Nội cần xóa bỏ bếp than", ông Hà nói.
Về lâu dài, Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan; quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường sẽ xem xét tái cấu trúc một số ngành sử dụng nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không khí.
Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng sẽ phối hợp các thành phố lớn đẩy nhanh hơn lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với các phương tiện giao thông. "Xe máy và ôtô hoạt động ở các thành phố lớn phải có quy chuẩn cao hơn địa phương khác", ông Hà nhấn mạnh và cho rằng Hà Nội, TP HCM nên đi đầu trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng nhiên liệu sạch.
Cuộc họp nêu trên diễn ra trong bối cảnh tình hình ô nhiễm không khí trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng. Theo thông tin tại đây, Hà Nội và TP HCM đều thống nhất một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là phương tiện giao thông. Hiện Hà Nội có 7,65 triệu ôtô, xe máy, vài triệu xe vãng lai từ ngoại thành vào. Còn tại TP HCM, số xe máy là 7,5 triệu, ôtô 700.000 chiếc...
Ngoài ra, Hà Nội đang là đại công trường với trên 1.000 công trình xây dựng; TP HCM cũng tương tự. Ở cả hai thành phố còn có các cơ sở sản xuất công nghiệp ít nhiều tác động đến tình hình không khí, đơn cử TPHCM có gần 900 nhà máy lớn nhỏ, cơ sở tiểu thủ công nghiệp.
Riêng Hà Nội còn chịu đựng tình trạng đốt rơm rạ theo mùa và 60.000 bếp than tổ ong được sử dụng hàng ngày trên địa bàn.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trong năm 2019, ít nhất 5 đợt ô nhiễm không khí đã diễn ra ở Hà Nội với chỉ số bụi PM 2.5 ( loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) liên tục cao hơn 50 - ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn Việt Nam năm 2013 (trung bình 24 giờ là 50, trung bình năm 25).
Còn theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường (TP HCM) đo tại 30 vị trí trong tháng 9 cho thấy, các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... tăng đột biến trong các ngày 18 đến 20/9. Đặc biệt, ngày 20/9 bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần; NO2 tăng 1,41 lần; CO tăng 1,4 lần. Kết quả này được công bố sau 8 ngày bầu trời TP HCM liên tục bị mù bao phủ, ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10; PM 2.5 tăng từ 1,9 lên 2,2 lần.