Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích có hai nguyên nhân khiến Hà Nội thường xuyên bị ngập thời gian gần đây. Đó là do thời tiết dị thường, mưa lớn cực đoan; hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn.
Theo Bộ trưởng Hà, thời tiết đang biến đổi bất thường, nhiệt độ Trái đất nóng lên nên không chỉ Việt Nam mà các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu cũng thường xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan. "Mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì khó hạ tầng nào có thể chịu được", ông Hà nói.
Để ứng phó trước mắt, thành phố có thể dùng hệ thống máy bơm để thoát nước, nhưng về lâu dài cần nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, như xây các bể ngầm chứa nước lớn tại khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra ngập. Thành phố cũng có thể tận dụng các nơi rộng lớn như cánh đồng, sân vận động làm nơi chứa nước.
Trên thế giới, nhiều nước đã xây hệ thống ngầm trữ nước, như Nhật Bản có những hầm chứa nước lớn vừa để giữ nước khi mưa, vừa để có nước dùng khi hạn hán. "Các giải pháp này đắt đỏ, nên quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm.
Các cơ quan chức năng cũng cần dự báo lượng mưa trong một đơn vị thời gian để tính toán lượng nước trên một m2 nhất định, từ đó tính toán công suất hệ thống thoát nước. Các đô thị cần có hệ thống dự báo ngập lụt chính xác. "Hiện nay cơ quan khí tượng đã thực hiện việc này, nhưng không dễ và độ chính xác còn khác nhau", ông Hà cho hay.
Theo Bộ trưởng Hà, khi thiết kế đô thị, quan trọng nhất là phải tính đến yếu tố địa hình, số lượng dân cư để dự báo khi xảy ra thời tiết cực đoan thì sẽ chống chịu ra sao. Việc xây dựng đô thị phải đi cùng với hệ thống thu nước, thoát nước, xử lý nước thải và nước mưa... Có những vấn đề không chỉ dự báo hàng năm mà phải có tính toán thời tiết cực đoan có thể 30-50 năm mới xảy ra một lần.
"Việc dự báo này giúp các đô thị có phương án thiết kế cơ sở hạ tầng như công trình ngầm, giao thông ngầm, giao thông bề mặt. Phải làm sao để khu vực thoát nước tự nhiên, nơi nào không thoát được tự nhiên được thì phải dùng máy móc, thiết bị, nhưng nên hạn chế", Bộ trưởng Hà nói.
Với các đô thị lớn như Hà Nội, để tránh ngập lụt sau mưa, cần tăng cường dự báo; có dự án tổng thể, đánh giá căn cơ hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn vào một thời điểm. Thủ đô cần hướng đến thiết kế đô thị thông minh, chống chịu thời tiết cực đoan.
GS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, nêu quan điểm, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng Hà Nội thường xuyên ngập lụt là trước đây có nhiều quy hoạch khác nhau, thực hiện riêng. Thành phố xây dựng các công trình đô thị, nhà ở, nhưng không đi kèm với hệ thống thoát nước phù hợp.
"Theo Luật Quy hoạch 2017, các quy hoạch như xây dựng hạ tầng, tiêu nước, thủy lợi, nông nghiệp... sẽ được tích hợp, tiến hành đồng thời. Nếu thực hiện tốt việc này, các đô thị lớn như Hà Nội có thể giải quyết được tình trạng thường xuyên ngập lụt", ông Cường nói.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, từ 14h đến 16h ngày 29/5, trạm đo tại Láng (Hà Nội) ghi nhận lượng mưa là 138 mm, vượt mốc từng lịch sử 132,5 mm vào ngày 18/6/1986.
Còn theo số liệu của TP Hà Nội, cùng thời gian trên, quận Cầu Giấy mưa lớn nhất, hơn 170 mm, tiếp theo là Tây Hồ hơn 150 mm, Hoàng Mai hơn 130 mm. Các quận Ba Đình, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì lượng mưa hơn 100 mm.
Mưa lớn trong hơn hai tiếng đã khiến gần 40 tuyến phố Hà Nội ngập cục bộ, nhiều tuyến ngập sâu trên 50 cm, giao thông tê liệt. Phải sau 4-6 tiếng khi dứt mưa lớn, nước mới tiêu thoát hết.