Tại cuộc họp bàn biện pháp giảm áp lực cho vận tải đường bộ chiều 18/4, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã ca thán ngành đường sắt không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Trọng Khôi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam, doanh nghiệp này có dự án thép ở Lào Cai mỗi năm đưa 500 tấn phôi thép về Hải Phòng và 500 tấn quặng về Hà Nội. Tuy nhiên, làm việc với đường sắt thì năng lực vận chuyển rất hạn chế, còn đường bộ đang siết chặt trọng tải xe khiến cước tăng.
"Chúng tôi rất muốn chuyển hàng bằng tàu. Nếu đường sắt nâng được 15-30% năng lực vận chuyển thì chúng tôi rất phấn khởi", ông Khôi bày tỏ.
Lo ngại không kịp chuyển hàng lên biên giới trong tháng 4, bà Vũ Thị Huyền Đức, Tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường 1 đã phải nhắn tin cho Bộ trưởng Đinh La Thăng nhờ giúp đỡ. Theo bà Đức, trong khi doanh nghiệp phải vội vã đưa hàng qua cửa khẩu vì sắp hết quota thì đường sắt hàng tuần trời không xếp lịch chở hàng lên Lào Cai. Bộ trưởng phải chỉ đạo thì hàng hóa mới được lưu thông.
Trong khi đó, Bộ Giao thông đánh giá trừ tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng đã vận hành tối đa, tuyến Hà Nội - TP HCM còn tăng được 3-5 đôi tàu. Các tuyến khác như Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên , Kép - Hạ Long còn thêm được 10 đôi tàu mỗi ngày.
Ngành đường sắt đang vận dụng 1.040 toa xe khách, có thể chở tăng 50 đến 80% so với hiện tại nếu tổ chức nhiều đôi tàu địa phương kết nối với Hà Nội và TP HCM.
Thừa nhận nhiều yếu kém, ông Nguyễn Văn Chung, Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị đang cố gắng chấn chỉnh và mong muốn bạn hàng chia sẻ khó khăn. Tuyến Lào Cai thường xuyên ách tắc, ví dụ ngày 15/4 có 450 toa xe bị ứ đọng trên đường do các chủ hàng chiếm dụng toa xe, không chịu bốc dỡ vào ban đêm.
Ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt, cho rằng hạ tầng đường sắt hạn chế, chi phí bốc dỡ nhiều chặng nên kéo dài thời gian. Nhiều đơn vị đã đầu tư xe cẩu để bốc xếp, song giá còn cao.
"Chúng tôi sẽ đầu tư thêm thêm phương tiện bốc dỡ nếu nhu cầu vận chuyển doanh nghiệp cao", ông Tường cam kết.
Phụ trách ngành đường sắt, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ông đã xuống kiểm tra và thấy ga Yên Viên khá rộng song chỉ chứa một ít hàng từ Lào Cai về. Trong khi đó, doanh nghiệp lại cho rằng không có chỗ bốc xếp, kho bãi. Nhiều chủ hàng phản ánh chuyển hàng từ Nam ra Bắc mất tới 6 ngày, đường sắt lại không chịu trách nhiệm hỏng hóc.
Mặc dù giá cước vận tải đường sắt khá thấp so với các phương thức khác, trung bình 1 triệu đồng/tấn hàng tuyến Hà Nội - TP HCM, bằng một nửa so với đường bộ song theo ông Đông, chi phí vận chuyển đường sắt cao lại hơn đường bộ vì "cộng thêm thời gian chờ đợi và nhiều chi phí khác".
Ý kiến của lãnh đạo ngành đường sắt không được Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình. Theo ông Thăng, Tổng công ty Đường sắt đang chờ "sung rụng", đáng lẽ phải đầu tư phương tiện và tìm khách hàng thì lại chờ khách hàng đến với mình. Đó là cách làm quan liêu.
Ông yêu cầu ngành đường sắt tính toán lại cước phí để có khung giá hợp lý, phấn đấu hàng hóa vận chuyển trên 300 km sẽ bằng đường sắt. Cùng với đó, lãnh đạo doanh nghiệp vận tải phải có biện pháp để chi phí vận tải giảm xuống, "chi phí này chiếm 15% giá thành là quá cao", Bộ trưởng Thăng nói.
Ông cũng yêu cầu từng Thứ trưởng được phân công phụ trách ngành phải làm việc với các ga, cảng, doanh nghiệp vận tải, để giải quyết ngay những vấn đề còn bất cập. Nếu Thứ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, kết nối các phương tiện vận tải không tốt thì các thứ trưởng phải kiểm điểm cụ thể.
"Báo cáo cuối năm trước thấy 97,5 % cán bộ ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi đọc con số mà thấy xấu hổ, nếu thế thì ngành giao thông phải đứng đầu cả nước", Bộ trưởng Thăng thẳng thắn nói.
Đoàn Loan