"Người dân đều biết về tác động của khí nhà kính với biến đối khí hậu, song thường gán điều đó cho các phương tiện giao thông. Mãi gần đây, mọi người mới nhìn vào tác động của chuỗi tiêu thụ động vật, đặc biệt là thịt bò", Bộ trưởng Tiêu dùng Tây Ban Nha Alberto Garzon cho biết hôm 26/12.
Bộ trưởng Tây Ban Nha nói thêm yếu tố địa lý khiến nước này dễ chịu tổn thương sâu sắc từ biến đổi khí hậu. "Nếu không hành động, chúng ta không chỉ phải đương đầu với biến đối khí hậu mà sẽ đối mặt với cả mất đa dạng sinh thái và ô nhiễm", ông khẳng định.
Theo Garzon, người Tây Ban Nha không cần phải ngừng ăn thịt hoàn toàn, nhưng nên ăn ít đi vì môi trường và cũng vì sức khỏe bản thân. Ông tiếp tục chỉ trích hình thức chăn nuôi "không bền vững" từ các trang trại lớn.
"Họ tìm một ngôi làng và đưa vào đó 4.000, 5.000 hoặc thậm chí 10.000 đầu gia súc. Họ gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và sau đó xuất khẩu thịt kém chất lượng từ những con vật bị đối xử tệ bạc này", ông nói.
Garzon còn chỉ ra một báo cáo gần đây cho thấy 20 công ty chăn nuôi chịu trách nhiệm phát thải khí nhà kính nhiều hơn cả Đức, Anh hay Pháp.
Bộ trưởng Tây Ban Nha từng gây chú ý khi kêu gọi mọi người giảm tiêu thụ thịt hồi tháng 7. Ông lưu ý rằng người Tây Ban Nha trung bình ăn hơn một kg thịt/tuần, dù cơ quan thực phẩm đất nước khuyến cáo chỉ nên ăn 200 - 500g.
Tây Ban Nha cũng được xem là quốc gia tiêu thụ thịt cao nhất châu Âu. Nước này giết mổ khoảng 70 triệu đầu gia súc, gia cầm mỗi năm để sản xuất 7,6 triệu tấn thịt.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)