-
18h46
Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo thông báo kết thúc cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9.
-
18h35
Quy hoạch Ga Hà Nội sẽ được xem xét cẩn thận
Về đề xuất quy hoạch Ga Hà Nội, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết chính quyền Thủ đô đang lấy ý kiến các Bộ ngành, trong đó có Bộ Giao thông.
Quan điểm của Bộ là việc quy hoạch phân khu chức năng trong quy hoạch đô thị là cần thiết. Riêng đối với Hà Nội và TP HCM thì các hạ tầng đang quá tải. Vì vậy, trong giao thông phải xem xét mật độ người sống khu vực đó, đất dành cho giao thông thế nào, mật độ đường... Cụ thể, Bộ kiến nghị đất dành cho giao thông Hà Nội, TP HCM phải là trên 20% (theo quy định là 17%, hiện tại TP HCM chỉ có 7-8%).
Theo ông Đông, ga Hà Nội là ga trung tâm liên vận quốc tế và đầu mối giao thông kết nối nên phải xem xét mật độ hành khách tham gia. "Thủ tướng đã yêu cầu là phải quy hoạch ga Hà Nội và vùng lân cận một cách thận trọng để đảm bảo phát triển bền vững", ông Đông nói.
Chính quyền Thủ đô đang lấy ý kiến các bộ ngành về quy hoạch ga Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Giữa tháng 9, Hà Nội xin ý kiến các bộ ngành về đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận. Theo quy hoạch do tư vấn Nhật Bản lập, ga Hà Nội ở vị trí hiện tại sẽ được bảo tồn nguyên trạng với mặt tiền nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Tư vấn đề xuất chia ga Hà Nội và vùng phụ cận thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất 150 m (tương đương 40 tầng). Trong đó, khu ga đường sắt nằm ở trung tâm của quy hoạch; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được xác định bảo tồn, xây dựng công trình mới phải hạn chế chiều cao kiến trúc...
Tuy nhiên, theo đề xuất của Hà Nội, trong 9 phân khu thì các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200 m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng. Hiện dân số khu vực quy hoạch là 34.000 người, dự báo tăng thêm 10% dân số mỗi năm nên tổng dân số của đồ án sẽ là 44.000 người. Qua đó, Hà Nội sẽ tăng dân số khu vực nội đô (4 quận nội thành cũ) từ 800.000 người lên 824.000 người.
-
18h30
Dừng Uber, Grab hay không thuộc thẩm quyền địa phương
Liên quan tới kiến nghị dừng khẩn cấp Uber, Grab của Hiệp hội Taxi Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thẩm quyền quyết định dừng hay tiếp tục thí điểm loại hình này thuộc về UBND các tỉnh, căn cứ trên cơ sở đáp ứng nhu cầu chung, hạ tầng hiện hữu. "Việc kiểm soát số lượng xe cho từng loại hình thuộc về địa phương", ông Đông nói.
Ông cũng cho biết thêm, ngoài Uber, Grab hiện còn khoảng 10 hãng taxi khác cũng áp dụng công nghệ quản lý vận tải kết nối đã được phổ biến tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng có hãng taxi ứng dụng công nghệ kết nối qua điện thoại, facebook... thuận lợi cho người dân.
-
18h21
Kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng không ảnh hưởng đến tổ chức APEC
Báo chí nêu câu hỏi về việc Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa bị đề nghị kỷ luật, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ thì đã bị cảnh cáo, liệu có ảnh hưởng đến việc tổ chức APEC tại địa phương này trong thời gian tới hay không? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: "Việc này không ảnh hưởng đến tổ chức APEC vào tháng 11 tới".
Theo ông Dũng, Hội nghị APEC sẽ có sự tham dự của Tổng thống Mỹ và nhiều lãnh đạo các nền kinh tế khác, do vậy Việt Nam phải tổ chức tốt, đúng vai trò là nước đăng cai.
Ông Dũng nhấn mạnh câu hỏi của báo chí đề cập đến hai việc khác nhau. Trong đó, xem xét và công bố kỷ luật cán bộ được cơ quan chức năng thực hiện theo quy định; còn tổ chức APEC đã được các cơ quan chức năng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tính toán đảm bảo mọi việc.
-
18h08
"Ai có bằng chứng hãy gửi cho tôi"
Về việc ông Nguyễn Xuân Quang - Cục phó Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, mất gần 400 triệu đồng tại một khách sạn ở Long An, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan chức năng của Bộ đã tiến hành các công việc cần thiết, thông tin cụ thể về sự việc tới báo chí.
"Quan điểm của Bộ là bất kỳ cán bộ nào sách nhiễu, lợi dụng trục lợi thì xử lý nghiêm theo pháp luật. Trường hợp ông Quang, sau khi công an làm việc, biên bản của công an chỉ xác minh mất bao nhiêu, còn lại thế nào, không có ý nào về việc có phong bì bóc dở. Nhưng nếu sau điều tra mà vi phạm, ông Quang cũng sẽ bị xử lý nghiêm", ông Hà nói.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Võ Hải
Bộ trưởng Tài nguyên cũng khẳng định chưa nhận được phản ứng hay thông tin nào nào về việc ông Quang nhũng nhiễu khi đi công tác, "nếu ai có bằng chứng thì cung cấp cho Bộ trưởng".
Theo ông, mọi việc công khai nhưng phải công bằng, khách quan, không nên suy đoán khi chưa có kết luận, vì không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ông Quang mà còn tổ chức. "Bộ sẽ đi đến cùng xem có tình ngay lý gian, có vấn đề nào khác không", ông Hà nói.
Ngày 27/9, Cục phó Nguyễn Xuân Quang báo bị mất gần 400 triệu đồng tại khách sạn ở Long An. Thời điểm này, ông đang làm trưởng đoàn thanh tra môi trường với 30 doanh nghiệp trên địa bàn, dự kiến kéo dài từ 21/9 đến 11/10. Ông Quang khẳng định số tiền trên là của gia đình, ông mang theo với mục đích góp tiền mua đất.
-
18h05
"Không có vùng cấm trong kiểm tra cán bộ lãnh đạo"
Trước câu hỏi của báo chí liên quan tới việc nhiều cán bộ cấp cao dính sai phạm trong các vụ án kinh tế lớn như Phạm Công Danh, OceanBank..., Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định quan điểm của Đảng, Chính phủ là "quyết tâm chống tham nhũng và tiêu cực".
"Tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, của Chính phủ là xem xét thanh tra, kiểm tra, xử lý đúng người, đúng tội, không có vùng cấm", ông nói.
Người phát ngôn của Chính phủ thông tin thêm, việc phát hiện các sai phạm của cán bộ cấp cao trong các vụ án kinh tế là bài học đắt giá trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, do trong thời điểm nào đó chưa quản lý hết, chưa đánh giá kỹ lưỡng.
"Trong điều hành ở chỗ này, chỗ khác khi phát hiện các vụ việc tiêu cực thì phải xác minh, kết luận trách nhiệm cá nhân sai phạm, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu. Tất cả nội dung này được công bố công khai", Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
-
17h58
Công bố kết luận thanh tra biệt phủ ở Yên Bái bị "chậm"
Ông Bùi Ngọc Lam - Phó tổng thanh tra Chính phủ, nhận được câu hỏi vì sao cơ quan chức năng đã kết thúc thanh tra tài sản của Giám đốc Sở tài nguyên Yên Bái 3 tháng qua, nhưng vẫn chưa công bố kết quả?
Ông Lam thừa nhận việc công bố chậm nhưng "có nguyên nhân khách quan và chủ quan". Quan điểm của Thanh tra Chính phủ phải thật sự khách quan, khi vụ việc được sáng tỏ sẽ công khai. Hôm nay họp Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu không chỉ Yên Bái mà các cuộc thanh tra khác phải nhanh chóng công bố cho dư luận được biết.
Khu biệt thư của Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái. Ảnh: Giang Huy
Báo chí tiếp tục đề nghị cho biết cụ thể "nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì?". Ông Bùi Ngọc Lam nói "chúng tôi sẽ nêu rõ nguyên nhân khi có kết luận chính thức về vụ việc này", đồng thời nhấn mạnh, Thanh tra Chính phủ không hề chịu sức ép nào trong quá trình thanh tra.
"Chậm công bố không ngoài mục đích nào khác ngoài việc để xem xét thận trọng hơn. Tới thời điểm này, tôi chưa nhận được thông báo nào nói rằng vụ việc ở Yên Bái phải thanh tra lại", Phó tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Trước đó vào đầu tháng 6, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí về khối tài sản lớn của hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành thanh tra vụ việc theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, trước những băn khoăn về tính minh bạch, khách quan của cuộc thanh tra vì ông Phạm Sỹ Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm, UBND tỉnh Yên Bái đã chủ động đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Ngày 27/6, Đoàn thanh tra do ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn đã lên Yên Bái công bố 2 nội dung thanh tra liên quan đến thửa đất nêu trên, gồm: quá trình quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về phòng chống tham nhũng đối với người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản. Thời gian thanh tra là 15 ngày làm việc.
-
17h50
Thủ tướng yêu cầu "không chủ quan"
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ ngành, địa phương "không được chủ quan" trước các kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm.
"Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP", Thủ tướng lưu ý và nêu rõ, để cả năm đạt 6,7% tăng trưởng thì quý IV phải tăng 7,4-7,5%, con số không phải dễ dàng.
Theo ông Dũng, tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, trong đó có nội dung liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành. Các doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này, thủ tục còn rườm rà, việc kiểm tra bằng nhãn quan thủ công..., khiến chi phí doanh nghiệp tăng cao.
Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; không ban hành văn bản "giấy phép con" làm tăng chi phí chính thức - không chính thức cho doanh nghiệp; co kéo lợi ích về một nhóm...
-
17h50
"GDP tăng là nhờ nông nghiệp, công nghiệp có sự bứt phá"
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ hôm nay dành nhiều thời gian đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 9 tháng.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, tăng trưởng GDP 9 tháng là 6,41% và để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%, quý IV phải tăng 7, 31%.
Nếu cả năm tăng trưởng đạt được 6,7% thì 13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2017 sẽ có 5 chỉ tiêu hoàn thành cao và 8 chỉ tiêu hoàn thành đúng mục tiêu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Võ Hải
Trước ý kiến cho rằng 9 tháng qua tăng trưởng GDP cao là nhờ tăng tín dụng, khai khoáng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: "GDP tăng là nhờ nông nghiệp, công nghiệp có sự bứt phá".
Ông đơn cử, ngành nông nghiệp khi quý I tăng 2,08% và 9 tháng tăng 2,78%; công nghiệp tăng 9,17% trong 9 tháng qua, trong đó sản phẩm linh kiện điện tử, sản xuất kim loại tăng 2,41%. "Ngay cả Samsung quý III tăng trưởng 45%; còn với Formosa dù mới đi vào hoạt động nhưng năm nay sẽ đạt 1,5 triệu tấn thép. Phần tăng này sẽ bù đắp vào khai khoáng giảm", ông Dũng nói.
-
17h40
Cổ phần hoá và thoái vốn rất chậm
Chiều 3/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, tại phiên họp lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ vui mừng trước thông tin về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc; Chỉ số nhà quản trị mua hàng do Nikkei vừa công bố thì Việt Nam đạt trên 53 điểm, cao nhất ASEAN.
Thủ tướng cũng cho biết, lũy kế đến nay, các bộ ngành đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính, có bộ tuyên bố cắt giảm đến 600-700 thủ tục.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp (chỉ số CPI bình quân 9 tháng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2016). Tuy nhiên, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn rất chậm (mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp; thoái vốn mới đạt 11.800 tỷ đồng trong kế hoạch 60.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công chậm, tuy cải thiện nhiều, nhưng chưa đạt yêu cầu, đến nay, giải ngân gần 55% là thấp. “Chúng ta đang nói thiếu vốn, nhưng có vốn rồi, giải ngân không phải dễ. Đây có phải là việc chúng ta cần quan tâm để góp phần tăng trưởng chăng?”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh địa phương nào, ngành nào không làm được thì kiên quyết cắt giảm vốn theo đúng quy định để dành cho các việc cấp bách khác.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; báo cáo việc bố trí cán bộ cấp xã theo dõi công tác an toàn thực phẩm, việc điều chỉnh thời gian triển khai áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, Tờ trình về việc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung chính sách đối với người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số; Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.