Ngày 15/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc, cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Xem xét báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính & ngân sách của Quốc hội nhận thấy có việc giải ngân vốn ngoài nước tăng hơn 36.950 tỷ đồng, trong đó có gần 10.800 tỷ do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại sang Nhà nước đầu tư trực tiếp.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính & ngân sách - Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến thường trực cho rằng đến nay, Chính phủ chưa báo cáo với Thường vụ Quốc hội về số tăng giải ngân vốn ODA vượt dự toán, thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Vì vậy, cơ quan này đề nghị loại ra khỏi quyết toán chi ngân sách năm 2014 số vốn ngoài nước tương đương hơn 36.950 tỷ đồng nêu trên.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không loại ra khỏi quyết toán toàn bộ, mà chỉ loại gần 10.800 tỷ đồng. Đây là số tiền do Chính phủ chuyển đổi vốn ODA tại một số dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang thực hiện theo hình thức cho vay lại sang Nhà nước đầu tư trực tiếp, nhưng chưa báo cáo Quốc hội và chưa bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã nhiều lần đề cập đến việc cần xem lại mô hình hoạt động của VEC. Theo đó, tổng công ty này được hình thành từ vốn ngân sách, song hoạt động khi cổ phần hoá lại xảy ra một loạt vấn đề với mô hình BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) chồng lấn lên các dự án. “Cần đánh giá lại tổng thể, báo cáo Chính phủ”, Ông Dũng nói.
Trước đó, VEC được thành lập vào năm 2004, vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư, phát triển và quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia. Đến nay, doanh nghiệp đã trở thành chủ đầu tư nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng của Việt Nam.
Võ Văn Thành