Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Anh Tuấn. |
Tình trạng lãng phí tài sản công, việc chậm lương là những vấn đề chính mà đại biểu chất vấn người đứng đầu ngành tài chính. Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, cả nước hiện có khoảng 20.000 xe công, trong đó gần 14.000 xe công của cơ quan thuộc hệ thống chính trị nhà nước. Trung bình 100 cán bộ làm việc cơ quan thuộc hệ thống chính trị nhà nước thì 5 người có ô tô riêng. Đầu năm 2005, qua kiểm tra có 82 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, định mức mua sắm.
"Năm 2004, các bộ, ngành đã xử lý 456/467 trường hợp vi phạm, thu hồi 51 tỷ đồng. Việc xử lý hành chính các trường hợp vi phạm của các bộ, ngành thì tôi chưa nắm rõ. Bộ Tài chính đang đề nghị xử lý 82 trường hợp vừa bị phát hiện", ông Hùng nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Hằng Nga đề nghị khoán sử dụng xe công, tiền tệ hóa xe công vào lương để tiết kiệm ngân sách. Bộ trưởng Tài chính phân tích: "Một số cán bộ không có có xe riêng, nhưng thường xuyên sử dụng xe cơ quan để phục vụ công tác, nên không thể tính vào lương. Đối với cán bộ có tiêu chuẩn xe riêng, xin thưa với Quốc hội là nếu khoán ngay bây giờ thì e chưa thích hợp. Điều kiện giao thông công cộng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của cán bộ".
Theo ông Hùng, Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí vừa trình Quốc hội là một công cụ hữu hiệu để ngăn chặn tệ nạn này. Ông e dè: "Tuy nhiên, luật có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan".
Trong việc cải cách tiền lương lĩnh vực y tế và giáo dục, có quy định trích 35% viện phí, học phí chi cho lương. Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình về vấn đề này. Ông Hùng cho biết, thời gian qua, khoản viện phí, học phí thu được khoảng 4.000 tỷ đồng. Chính phủ đã trích 600 tỷ đồng (chiếm 15%) chi lương giáo viên, cán bộ y tế. Theo lộ trình cải cách tiền lương hiện nay, nếu lấy nguồn lương toàn bộ từ ngân sách, thì năm 2007 lương sẽ chiếm 40% khoản chi hằng năm.
"Không có ngân sách nào chịu đựng được khoản chi lương như vậy. Không thể sử dụng 100% ngân sách để trả lương, mà phải dùng nhiều nguồn trả lương để giải tỏa căng thẳng cho ngân sách nhà nước, đầu tư cho xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước cũng rất bị động trong lĩnh vực chi tiêu, cân đối lương. Đa dạng nguồn lương sẽ giúp họ chủ động hơn. Chúng tôi làm Tài chính rất căng thẳng vì ngành nào cũng kêu thiếu kinh phí", ông Hùng than thở.
Sáng 10/6, đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng.
Việt Anh