"Khu vực bãi cạn Scarborough nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố trong một thông cáo tối 23/8. "Cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực được bao quanh bởi 'đường 9 đoạn' của họ không tồn tại, ngoại trừ trong tưởng tượng của họ".
Tuyên bố được đưa ra sau khi hải cảnh Trung Quốc tịch thu thiết bị đánh cá của ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough. Bộ Ngoại giao Philippines tuần trước trao công hàm phản đối, gọi đó là "tịch thu bất hợp pháp".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/8 bảo vệ lực lượng hải cảnh, nói rằng họ đã thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật và "hành động của họ là có thể hiểu được". Bắc Kinh cũng cáo buộc máy bay quân sự Philippines "xâm phạm không phận Trung Quốc" ở một vùng biển tranh chấp khác và kêu gọi Manila "dừng ngay lập tức các hoạt động khiêu khích phi pháp".
"Ngư dân của chúng tôi đang ở trong EEZ của chúng tôi và tương tự như vậy, tàu và máy bay của chúng tôi tiến hành các chuyến tuần tra trong khu vực của chúng tôi. Trung Quốc là những người đã và đang thực hiện các hành động khiêu khích bằng cách chiếm đóng trái phép một số địa điểm trong EEZ của chúng tôi. Do đó, họ không có quyền tuyên bố đang thực thi luật pháp", ông Lorenzana cho biết thêm trong thông cáo.
Phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte hạ thấp tính nghiêm trọng của vấn đề khi Manila đang tìm cách có được vaccine Covid-19 từ Trung Quốc. "Các nhà ngoại giao của chúng tôi thường trao công hàm phản đối như vậy nếu chúng tôi tin rằng quyền chủ quyền bị vi phạm", Harry Roque nói. "Tuy nhiên việc này sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Philippines và Trung Quốc".
Bãi cạn Scarborough là một trong những ngư trường phong phú nhất ở Biển Đông. Khu vực này cách 240 km về phía tây đảo chính Luzon của Philippines và cách 650 km từ tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trung Quốc kiểm soát bãi cạn này từ năm 2012 sau cuộc đối đầu với Philippines và thường xuyên triển khai tàu hải cảnh tuần tra xung quanh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, viện dẫn cái gọi là "đường 9 đoạn" để biện minh cho cái gọi là chủ quyền lịch sử, chồng lấn lên vùng biển các nước, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia. Bắc Kinh năm 2016 bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế rằng các tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Quan hệ Philippines - Trung Quốc được cải thiện dưới thời Duterte, người đã hồi sinh quan hệ ngoại giao bị đóng băng sau khi đắc cử vào năm 2016. Lãnh đạo Philippines gác lại các tranh chấp trên biển để thu hút viện trợ, thương mại.
Huyền Lê (Theo AFP)