Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được công bố chiều nay, theo ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Tổng số phiếu phát ra và thu về là 481.
Lần đầu tiên được lấy phiếu, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nhận 448 phiếu tín nhiệm cao, 29 phiếu tín nhiệm, 4 tín nhiệm thấp. Ông là Bộ trưởng Quốc phòng và thành viên Chính phủ đầu tiên có tín nhiệm cao nhiều nhất qua bốn lần Quốc hội lấy phiếu.
Ba lần lấy phiếu năm 2013, 2014, 2018, bà Nguyễn Thị Kim Ngân (nguyên Phó chủ tịch và Chủ tịch Quốc hội) đều đứng đầu.
Người đạt tín nhiệm cao thứ hai là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với 437 phiếu tín nhiệm cao, 32 tín nhiệm, 11 tín nhiệm thấp. Đây là lần thứ hai ông Huệ được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. So với năm 2018 khi giữ chức Phó thủ tướng, số phiếu tín nhiệm cao của ông đã tăng 83.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đạt tín nhiệm cao thứ ba với 426 phiếu tín nhiệm cao, 49 tín nhiệm, 3 tín nhiệm thấp.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đạt tín nhiệm cao thứ năm. Bà là nhân sự duy nhất của khối Chủ tịch nước được lấy phiếu năm nay, với 410 tín nhiệm cao, 65 tín nhiệm và 6 tín nhiệm thấp. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là một trong năm nhân sự không lấy phiếu tín nhiệm do được Quốc hội bầu trong năm lấy phiếu.
Người có phiếu tín nhiệm cao nhất ở khối Quốc hội là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tiếp sau là Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.
Ba vị trí đứng cuối về tín nhiệm cao khối Quốc hội là Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm.
Năm thành viên khối Quốc hội lần thứ hai được lấy phiếu tín nhiệm là hai Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Ông Nguyễn Khắc Định có sự bứt phá khi năm 2018 làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật được 317 tín nhiệm cao, năm nay tăng lên 392. Ông Nguyễn Đức Hải cũng tăng thêm 68 phiếu tín nhiệm cao so với năm 2018 khi làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tăng thêm 102 tín nhiệm cao so với 5 năm trước; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tăng thêm 16 phiếu và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tăng 163 phiếu.
Ở khối Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đạt 373 phiếu tín nhiệm cao; 90 phiếu tín nhiệm và 17 phiếu tín nhiệm thấp.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái và năm bộ trưởng đã trải qua hai lần lấy phiếu. Năm nay, Phó thủ tướng Lê Minh Khái có 384 phiếu tín nhiệm cao, 90 phiếu tín nhiệm và 6 tín nhiệm thấp. 5 năm trước, khi làm Tổng Thanh tra Chính phủ, ông được 304 phiếu tín nhiệm cao, 158 tín nhiệm và 12 tín nhiệm thấp.
Năm bộ trưởng đều có số phiếu tín nhiệm cao tăng so với lần lấy phiếu năm 2018. Trong đó Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tăng vượt bậc từ 169 lên 312; Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tăng từ 258 lên 279; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an tăng từ 273 lên 329; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long từ 318 lên 371; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từ 245 lên 334 (2018 ông là Tổng kiểm toán Nhà nước).
Khối Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đạt 311 tín nhiệm cao, 142 tín nhiệm và 28 tín nhiệm thấp. Ông Bình là nhân sự duy nhất được lấy phiếu tín nhiệm ở cả bốn lần, từ năm 2013, 2014, 2018 đến 2023.
Số phiếu tín nhiệm cao của ông Bình tăng dần qua các năm. Khi làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông được 198 tín nhiệm cao năm 2013 và 207 tín nhiệm cao năm 2014. Ở cương vị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông được 286 tín nhiệm cao năm 2018 và tăng 45 phiếu ở lần này.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tăng số phiếu tín nhiệm cao từ 204 năm 2018 lên 337 năm nay.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, đạt 292 tín nhiệm cao, 173 tín nhiệm và 14 tín nhiệm thấp.
Trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, không cán bộ cấp cao nào có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp để phải ở vào trường hợp "có thể xin từ chức" theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu.
Từ kết quả này, người được lấy phiếu sẽ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Theo quy định, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn định kỳ vào năm thứ ba - năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.
Viết Tuân - Sơn Hà