![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sáng nay có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, Singapore. Ảnh: AFP |
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Hagel bày tỏ sự quan ngại của Mỹ về mối đe dọa ngày một tăng trước sự xâm nhập mạng, trong số đó một số "dường như gắn với chính phủ và quân đội Trung Quốc".
Theo AP, dù ông không phải là quan chức Mỹ đầu tiên công khai cáo buộc Trung Quốc về những cuộc tấn công mạng, ăn cắp dữ liệu từ mạng lưới chính phủ và công ty nước này, ông đã đưa ra lời chỉ trích ở sân sau của Trung Quốc, với khán giả là các thành viên chính phủ của Bắc Kinh.
Hagel cho rằng Mỹ quyết tâm phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc và các nước khác nhằm thiết lập tiêu chuẩn về hành vi thích hợp trong không gian mạng. Mỹ cũng sẽ đề nghị Trung Quốc giúp đỡ giải quyết các vấn đề với Triều Tiên, quốc gia gây gia tăng căng thẳng trong khu vực suốt thời gian qua với một chuỗi các vụ phóng rocket, một cuộc thử hạt nhân và những lời đe dọa tấn công Mỹ cùng đồng minh.
Đề cập đến căng thẳng từ lâu với Trung Quốc, ông cho rằng chìa khóa để giải quyết những sự khác biệt này là phải dựa trên cơ sở "đối thoại mang tính liên tục và tôn trọng". "Hai quốc gia phải xây dựng niềm tin nhằm tránh những toan tính quân sự sai lầm", Hagel nói.
Phần lớn bài phát biểu của ông Hagel được xây dựng nhằm tiếp nối tuyên bố của người tiền nhiệm Leon Panetta trong diễn đàn năm ngoái, khi ông lần đầu tiên phân tích chi tiết cái gọi là sự xoay trục của quân đội tới Thái Bình Dương. Hagel đảm bảo với các nước châu Á rằng bất chấp sự cắt giảm ngân sách mạnh, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục đưa quân đội, tàu và máy bay tới khu vực Thái Bình Dương.
Khi Panetta đưa ra lời hứa, Hagel chỉ ra kết quả. Thủy quân lục chiến đã được triển khai tới thành phố Darwin, miền bắc Australia, một tàu chiến đã đến Singapore và các kế hoạch đang trải ra đối với những đơn vị quân đội sẽ luân chuyển ra vào khu vực.
Hagel cũng gợi ý rằng kế hoạch ngân sách 5 năm của Lầu Năm Góc tiếp tục dự tính thêm các chiến đấu cơ F-22 Raptor và chiến đấu cơ F-35 trong khu vực, cùng một tàu ngầm tấn công nhanh thứ 4 được triển khai ở Guam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh thực hiện một cuộc xét duyệt lại để xác định liệu cắt giảm ngân sách sẽ làm thay đổi chiến lược quân sự Mỹ hay không, sau khi Panetta hé lộ nó cách đây một năm.
Các lãnh đạo thế giới đã theo dõi sát sao toan tính của Washington để xem việc cắt giảm khoảng 487 tỷ USD ngân sách trong vòng 10 năm tới sẽ có ý nghĩa thế nào đối với cam kết của Mỹ ở nước ngoài.
Quân đội mới đây cắt giảm các chuyến bay huấn luyện và tác chiến đối với nhiều quân đội, ngừng hoạt động một số phi đội không quân và trì hoãn hay hủy một số vụ triển khai tàu.
Lầu Năm Góc cũng tuyên bố sẽ cho nghỉ phép khoảng 680.000 nhân viên dân sự trong khoảng 11 ngày đến hết năm tài khóa.
Hagel cho biết kết quả báo cáo ban đầu về việc xét lại chính sách chưa hoàn tất, nhưng nó thể hiện sự trỗi dậy của châu Á.
"Đối với khu vực, điều này nghĩa là tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng, từ sự xét lại, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành tái cân bằng và ưu tiên cách nhìn nhận, hoạt động và đầu tư của chúng tôi ở châu Á - Thái Bình Dương", ông nói.
Ông coi châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm của sự thay đổi lịch sử trên thế giới và Mỹ cam kết tăng cường hợp tác quân sự, kinh tế và ngoại giao với các nước trong khu vực. Là một phần trong kế hoạch đó, ông cho biết Mỹ sẽ dành riêng 100 triệu USD để mở rộng các hoạt động quân sự trong khu vực.
Vừa kết thúc tháng thứ ba trên vai trò Bộ trưởng Quốc phòng, ông Hagel dành bài phát biểu để giới thiệu bản thân ở cấp độ cá nhân hơn với khán giả. Với nhiều người, Hagel là một gương mặt thân quen, bởi ông là một trong những người sáng lập hội nghị năm 2002, và trên cương vị thượng nghị sĩ Mỹ, ông là diễn giả của ba lần tổ chức đầu tiên.
Ông đã nói về mối quan hệ lâu dài với khu vực, trong đó có việc cha ông từng điều khiển những máy bay ném bom B-52 ở Nam Thái Bình Dương trong Thế chiến II, và việc ông phục vụ quân đội ở Việt Nam. Ông từng bị thương và hai lần nhận hai huân chương Trái tim Tím.
Ông đến châu Á với tư cách người đồng sáng lập của một công ty điện thoại di động và sau đó trên cương vị một thượng nghị sĩ từ Nebraska, khi ông làm việc trong Ủy ban Quan hệ Quốc tế.
"Điều tôi rút ra được từ tất cả những kinh nghiệm đó", Hagel nói, " là niềm tin vững vàng rằng những sự kiện ở châu Á sẽ định hình vòng cung của thế kỷ 21".
Trọng Giáp