Chiều 8/11, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong đó, dự thảo tập trung chính sách đặc thù cho những lĩnh vực như nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện công nghệ cao; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển sản phẩm mũi nhọn.
Tại Điều 47, dự thảo nêu cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh hưởng chính sách đặc thù về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, tuyển chọn và chính sách trả lương, chế độ ưu đãi người lao động; được hạch toán các chi phí đãi ngộ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.
Giải thích nội dung này tại phiên thảo luận tổ, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết phát triển vũ khí, khí tài là lĩnh vực rất khó. Trong khi đó, các nước xuất khẩu vũ khí đều không chuyển giao công nghệ lõi. Vì vậy, Việt Nam phải tự sản xuất một số loại vũ khí, không phụ thuộc vào nhập khẩu.
Mấu chốt của phát triển công nghệ lõi là ở cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân lực cho ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh. Bộ trưởng Phan Văn Giang dẫn chứng Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) "được như ngày hôm nay là do có cơ chế đặc thù thu hút nhân lực".
Ông Giang kể câu chuyện có nhiều nhà khoa học, kỹ sư người Việt làm việc trong lĩnh vực vũ khí tại Mỹ, châu Âu. Họ được tập đoàn như Boeing, Airbus, Lockheed Martin trả thu nhập lên đến 400 triệu đồng mỗi tháng, nhưng vẫn sẵn sàng quay về cống hiến cho đất nước.
"Về nước, những chuyên gia này được kết nạp Đảng, trở thành sĩ quan và chỉ huy. Rất nhiều người có nguyện vọng như vậy. Chúng tôi muốn thu hút những người đó", đại tướng Phan Văn Giang chia sẻ.
Tuy nhiên, cơ chế đại ngộ cho họ không thể theo mức chung của ngành quân đội, như ngạch bậc sĩ quan. "Lương họ ở nước ngoài 300-400 triệu đồng mỗi tháng thì về Việt Nam chúng ta cũng phải trả cho họ ít cũng 150 triệu đồng", ông Giang nói, nhấn mạnh đây là những người giỏi nên phải có chính sách riêng để đãi ngộ.
Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó ban Dân nguyện, cũng đồng tình với chính sách thu hút nhà khoa học không phải là sĩ quan đang làm việc tại các viện, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.
Đặc biệt với nhà khoa học đầu ngành, ngoài cơ chế về lương bổng, ông Công cho rằng cần có cơ chế bảo vệ. "Rất nhiều quốc gia đưa những nhà khoa học đầu ngành vào chế độ bảo vệ như yếu nhân. Bởi để có được một nhà khoa học thì không đơn giản, trong hàng triệu người mới có một người. Đây là những người rất giỏi về công nghệ lõi, công nghệ nền", ông Công nói, thêm rằng trong dự án luật cũng nêu chính sách thu hút người tuy nhiên cần chỉnh lý để thể hiện rõ hơn.
Theo tờ trình dự thảo, việc xây dựng luật còn nhằm huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết dự thảo luật bảo đảm tính kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật hiện hành về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp. Đồng thời, dự thảo bổ sung những vấn đề mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Dự luật sẽ được Quốc hội thảo luận hội trường ngày 28/11.