Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội chiều 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho hay, 5 năm qua thế giới có những diễn biến mau lẹ, nhiều vấn đề không thể dự báo trước. Ở khu vực, tình hình Biển Đông phức tạp; trong nước, hoạt động diễn biến hòa bình, gây bạo loạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ... nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến mất ổn định. Riêng vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981, Bộ Chính trị họp tới 12 phiên với 23 ngày để xử lý.
Tuy nhiên, nhìn lại mục tiêu độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội hội chủ nghĩa; lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình ổn định, xây dựng và đổi mới đất nước, thì Việt Nam đã đạt được.
Cụ thể, vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được bảo vệ vững chắc. Các điểm đóng quân ở quần đảo Trường Sa được giữ vững. Khu vực thềm lục địa có 15 nhà giàn được bảo vệ và hoạt động tốt (trong đó có sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 6 nhà giàn); hoạt động nghề cá của ngư dân không bị ảnh hưởng...
"Nếu không giữ được hòa bình, ổn định trên biển thì không thể có kinh tế - xã hội phát triển ổn định như hiện nay", Bộ trưởng Quốc phòng nói.
Về quản lý vùng trời, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh 23 đường bay dân dụng, góp phần tiết kiệm mỗi năm hơn 40.000 giờ bay cho hàng không dân dụng trong khi công tác huấn luyện của không quân vẫn đảm bảo.
Bộ Quốc phòng cũng đã chủ động báo cáo Thủ tướng di dời 3 trung đoàn không quân chiến đấu tại 3 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng để dành thêm đất mở rộng hạ tầng kỹ thuật cho các sân bay.
Nói về việc phân định cắm mốc biên giới trên đất liền, tướng Thanh thông tin, Việt - Trung đã phân giới cắm mốc và phối hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền của mỗi bên, bảo vệ an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vượt biên trái phép.
Biên giới Việt - Lào cũng đã hoàn thành việc tăng dày cột mốc. Biên giới Việt Nam - Campuchia còn 7 điểm sẽ hoàn thành cắm mốc và đang tiếp tục đàm phán biên giới trên biển.
Tại khu vực Vịnh Bắc Bộ, hải quân, cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc cũng thường xuyên có tuần tra chung để đảm bảo an ninh trật tự. Việt Nam đã tuần tra chung với Camphuchia, Thái Lan và tiến tới đàm phán tuần tra chung với Malaysia, Philippines.
Với công tác xây dựng lực lượng quân đội chính quy tinh nhuệ, người đứng đầu Bộ Quốc phòng cho biết, quân đội Việt Nam hướng tới tự chủ vũ khí trang bị cho quân đội. Bởi nếu phụ thuộc bên ngoài, khi có bất ổn trong quan hệ quốc tế thì "có tiền cũng không mua được". "Hiện chúng ta cơ bản đã sản xuất được vũ khí cho sư đoàn bộ binh trở xuống", Bộ trưởng Thanh nói.
Hai lực lượng Hải quân và Không quân đã được đầu tư để tiến thẳng lên hiện đại nhưng chưa đồng bộ vì để xây dựng quân đội hiện đại đòi hỏi ngân sách lớn trong khi tiềm lực kinh tế còn có hạn.
Đại tướng Thanh cho hay, trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quân sự, Việt Nam luôn luôn giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Đây là điều vô cùng quan trọng.
"Trong hợp tác với các nước hết sức chú ý quan hệ với nước lớn đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Với an ninh của Việt Nam thì quan hệ tốt với cả 2 sẽ giữ được thế cân bằng, chủ động, độc lập tự chủ. Không đi với nước lớn này để chống nước lớn khác. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc lợi dụng lãnh thổ địa bàn của chúng ta để làm phương hại đến láng giềng an ninh trong khu vực", Bộ trưởng Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó là quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt với Lào, Campuchia. Việt Nam kiên định quan điểm tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của nước bạn. Việt Nam coi an ninh của Lào, Campuchia như của mình và mong cho 2 nước láng giềng phát triển.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng chỉ ra những thách thức về an ninh quốc phòng như căng thẳng trên biển Đông, diễn biến hòa bình, chiến tranh không gian mạng...
Theo Bộ trưởng Thanh, tranh chấp trên biển liên quan tới nhiều nước, nhiều bên. Việt Nam và Trung Quốc thống nhất vấn đề nào song phương sẽ giải quyết song phương chẳng hạn như Vịnh Bắc Bộ. Hoàng Sa cũng là vấn đề của Việt Nam với Trung Quốc, không có nước thứ 3. Riêng Trường Sa phải đàm phán đa phương vì liên quan đến nhiều bên, nhiều nước. "Phải cùng nhau giữ hòa bình ổn định kiểm soát tình hình trên biển không để xung đột", Bộ trưởng Thanh nêu quan điểm.
Cũng theo ông Thanh, trên không, trên biển và đất liền đều có các lực lượng bảo vệ, nhưng không gian mạng bỏ trống "như nhà không có cửa". Trong điều kiện bình thường đã là không nên, nếu xảy ra chiến tranh rất nguy hiểm. Nhưng đầu tư vào lực lượng này cũng rất tốn kém. Các cường quốc có bộ tư lệnh tác chiến mạng, lực lượng tác chiến mạng rất tinh nhuệ, đầu tư công phu nhưng Việt Nam hầu như chưa có gì.
"Để bảo vệ đất nước trong thời đại công nghệ thông tin, số hóa toàn cầu phải từng bước nghiên cứu, xây dựng nguồn nhân lực, đội ngũ trang thiết bị. Trước hết để mình bảo vệ mình, hệ thống trang thiết bị, khi cần được lệnh mới tấn công đáp trả. Việt Nam không bao giờ đi xâm lấn, tấn công bất kỳ ai cả, nhưng phải có thực lực để bảo vệ đất nước", đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định.
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015 tại phiên khai mạc (ngày 20/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, 5 năm qua, tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội và Công an được nâng lên. Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và kết hợp tốt hơn giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Theo người đứng đầu Chính phủ, nhiệm vụ 5 năm tới trong đường lối đối ngoại là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên Hợp Quốc. Kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. |
Võ Hải