Chủ tịch Nguyễn Văn An. Ảnh: A.T. |
"Có cử tri nói bộ trưởng chỉ nhận khuyết điểm là xong hay sao. Như vậy là họ muốn quy trách nhiệm mạnh hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở nhận lỗi", chủ tịch nhấn mạnh. Ông gợi ý, với bộ máy của mình, các bộ trưởng có thể khắc phục nhiều thiếu sót, ngoài ra chỉ cần người đứng đầu các bộ ngồi lại với nhau cũng giải quyết được nhiều vấn đề chứ không phải chờ tới khi họp Chính phủ hay phải để Thủ tướng giải quyết.
"Ở dự án Dung Quất, cử tri mong muốn Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt sâu sát để vận hành đúng năm 2009, chứ không phải quy trách nhiệm đúng hay sai. Chỉ sợ đến 2009 thay vì đón thùng dầu lọc đầu tiên, Quốc hội lại phải họp và quy trách nhiệm về sự chậm trễ", chủ tịch An nhấn mạnh.
Trong phần tổng kết, Chủ tịch An thừa nhận có nhiều vấn đề Quốc hội còn làm hình thức, tin vào người khác chứ không tự mình xem xét. Chất vấn tuy đã đã có tiến bộ song còn nhiều câu hỏi và trả lời dài. "Có nhiều câu hỏi để biết, có thể giải quyết ngoài cuộc họp bằng văn bản. Quốc hội có 500 con người đại diện cho trí tuệ toàn dân vì vậy chúng ta cần làm việc thế nào để đạt năng suất cao", chủ tịch đề nghị.
Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trước đó, trong phần báo cáo trả lời chất vấn của Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Thủ tướng đã có văn bản kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt tiếp tục xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất. "Chính phủ đề nghị các đại biểu Quốc hội bớt phê bình về những khuyết điểm bất cập đã qua mà tăng cường giám sát để nhà máy hoàn thành đúng tiến độ vào 2009", Phó thủ tướng thiết tha. Ông cũng cho biết, Thủ tướng đang chờ Quốc hội thông qua chủ trương để phê duyệt hợp đồng gói thầu số 1, Tổng công ty dầu khí VN đã ký hôm 19/5.Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì họp với Tổng công ty dầu khí bàn phương án vốn và đẩy nhanh tiến độ án. Theo đó, vốn đầu tư cho dự án là 2, 579 tỷ USD, trong đó ngân sách cấp 800 triệu từ lãi sau thuế lấy từ phần được chia của liên doanh Vietso Petro, 1 tỷ USD nhà nước cho vay ưu đãi, chủ đầu tư vay thương mại 475 triệu tự thu xếp vốn tự có hơn 200 triệu. Với cơ cấu như vậy, Chính phủ cho rằng khả thi và phù hợp với điều kiện khả năng thực tế, cách chỉ đạo này sẽ có hiệu quả trong thời gian tới. "Chủ trương xây dựng nhà máy đã có tính toán thận trọng cả về kinh tế, chính trị xã hội chứ không phải chỉ nhấn đến ý nghĩa chính trị xã hội như có vị đại biểu đã nêu", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Trong phần trả lời chất vấn, Chính phủ còn đề cập đến 6 nhóm giải pháp chống tham nhũng, thất thoát lãng phí. "Có đại biểu hỏi Thủ tướng đã chỉ đạo phòng chống tham nhũng lãng phí như thế nào để có hiệu quả. Tham nhũng lãng phí rất ngiêm trọng nhưng trong bộ máy của chúng ta số cán bộ tham nhũng chỉ là thiểu số", Phó thủ tướng khẳng định. Ông cũng cho biết, Chính phủ chưa bao giờ làm ngơ, hoặc né tránh, không xử lý các vụ việc tiêu cực có bằng chứng rõ ràng.
Một trong những biện pháp được Phó thủ tướng nhấn mạnh là công tác rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật hiện hành nhằm khắc phục các kẽ hở. Thời gian qua, Chính phủ đó đã ban hành mới 72 nghị định. Các địa phương đã rà soát bổ sung quy hoạch kinh tế tổng thể nhằm khắc phục đầu tư dàn trải. Cải cách hành chính trong thời gian tới cũng được đẩy mạnh hơn nữa.
"Báo chí đóng góp rất lớn vào việc phát hiện các vụ tiêu cực. Chính phủ sẽ tạo điều kiện để các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục chức năng này", Phó thủ tướng khẳng định.
Cũng trong chiều nay, một số biện pháp bình ổn giá cả đã được đề cập. Tinh thần chính là Chính phủ không thể rút ngân sách bù lỗ cho doanh nghiệp để giữ bình ổn các mặt hàng thiết yếu, người dân và doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối tiền hàng, ngân sách, đảm bảo cán cân kinh tế và có đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, độc quyền.
Phong Lan