Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 22/5, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, dịch Covid-19 tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, thu ngân sách gặp khó khăn.
Với người dân bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ và cộng đồng doanh nghiệp cũng chung tay hỗ trợ. Còn công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nên cuộc sống được đảm bảo. "Vì vậy, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính, thống nhất đề nghị với Chính phủ trước mắt trong năm 2020 chưa tăng lương cơ sở, lương hưu từ 1/7", ông Tân cho hay.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nội vụ, cơ quan này đã đề xuất xem xét lộ trình tăng lương được nêu trong đề án cải cách tiền lương (nghị quyết 27 của hội nghị Trung ương 7, khóa XII). Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Ban chỉ đạo cải cách tiền lương để nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình tăng lương năm 2021 theo hướng "có thể chậm lại"; thời gian cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo quyết định.
"Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều thành phần trong xã hội khó khăn hơn công chức, viên chức. Phần tăng lương theo dự định từ ngân sách nhà nước sẽ được dùng để hỗ trợ, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Thời điểm tăng lương cơ sở trở lại phụ thuộc vào tình hình ngân sách", ông Tân nói thêm.
Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung ủng hộ việc hoãn tăng lương vào 1/7 tới để "dành ngân sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19".
Tuy nhiên, theo ông Dung, việc hoãn tăng lương hưu cần nghiên cứu kỹ bởi đây là những người thu nhập thấp và số lượng không nhiều, nên việc tăng lương cho họ tác động không lớn đến phát triển kinh tế xã hội.
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, sáng 20/5, Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang từ 1/7.
Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).
Tháng 5/2018, hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đã thông qua nghị quyết 27 cải cách chính sách tiền lương. Chính phủ sau đó ấn định thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021.
Mục tiêu đề ra là, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Với khu vực doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003.