Phát biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25/5, Bộ trưởng Trà thừa nhận có tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai khi thực thi công vụ.
"Đây là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm các quy định của Trung ương", bà Trà nói, thêm rằng nhận thức này "rất nguy hiểm", ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng công vụ và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Bà đề nghị xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tình trạng sợ sai, không dám làm; cán bộ có biểu hiện này cần bị xử lý nghiêm vì bệnh sợ sai sẽ cản trở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm giảm niềm tin của người dân với cán bộ, công chức.
Để khắc phục, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị các cơ quan đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm công vụ. Các cơ quan cũng cần có giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là với các lĩnh vực liên quan đầu tư, tài chính, ngân sách, đầu tư công, phát triển doanh nghiệp.
"Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát bãi bỏ các quy định hoặc thói quen phải xin ý kiến, thỏa thuận thống nhất chủ trương trước khi thực hiện với các vấn đề đã được quy định hoặc có sự phân cấp", Bộ trưởng Nội vụ đề nghị.
Theo bà Trà, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, dự thảo đang vướng nhiều quy định pháp luật nên Bộ tham mưu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng nghị quyết thí điểm, sau đó Chính phủ ban hành nghị định.
"Như vậy sẽ đủ cơ sở, hành lang pháp lý và bảo vệ được cán bộ", bà Trà nói, cho hay nếu không có nghị quyết của Quốc hội thì không thể xé rào, vượt rào thực hiện. Luật cán bộ, công chức, viên chức cũng đang được Bộ nghiên cứu sửa đổi để bổ sung quy định bảo vệ cán bộ dám làm.
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cho biết có dự án giao thông trọng điểm liên kết vùng cần thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với khoảng 50 hecta. Tuy nhiên, sau 24 tháng với 24 bước quy trình thủ tục, đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được quyết định cuối cùng về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
"Có tình trạng cơ quan thẩm định, cơ quan tham mưu còn hạn chế về năng lực, hoặc lo ngại, sợ sai, né tránh trách nhiệm, nhất là sau khi một số địa phương có sai phạm đã phải xử lý cán bộ", ông Duy nói, cho biết thủ tục cứ vòng vèo, mất rất nhiều thời gian.
Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị Bộ trưởng Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ quyết liệt xử lý vấn đề "cán bộ không dám làm vì sợ sai".
Thực trạng cán bộ không dám làm đã xảy ra từ lâu, dù Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo nhưng vẫn chưa được khắc phục. Tháng 10/2022, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, có cán bộ tâm sự với ông "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này thì có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai.