Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Shivraj Patil từ chức giữa lúc dân chúng giận dữ vì cơ quan này đã không ngăn chặn được khủng bố. Ảnh: AFP. |
Ông Shivraj Patil đệ đơn từ chức và tuyên bố ông chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra vụ tấn công đẫm máu của các phần tử có vũ trang, làm hàng trăm người chết và bị thương, biến một phần thành phố Mumbai thành bãi chiến trường trong ba ngày liền.
Trong khi đó căng thẳng đang leo thang từng giờ ở Nam Á. Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari kêu gọi Ấn Độ không nên "phản ứng thái quá", sau khi các quan chức Ấn và Mỹ cho rằng các tay súng khủng bố có thể là thành viên Lashkar-e-Taiba. Đây là tổ chức đóng tại Pakistan, phản đối việc Ấn Độ nắm quyền ở khu vực tranh chấp Kashmir. Đây cũng là nhóm khủng bố đứng đằng sau vụ tấn công tòa nhà quốc hội Ấn Độ năm 2001, khiến New Delhi và Islamabad khi đó gần như nổ ra chiến tranh.
Các quan chức Ấn Độ cho hay tay súng duy nhất bị bắt và còn sống trong vụ khủng bố này khai rằng tất cả những kẻ tấn công đều là người Pakistan được Lashkar huấn luyện.
Các quan chức chống khủng bố Mỹ cho hay có những bằng chứng cho thấy Lashkar đứng sau vụ tấn công, còn Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee tuyên bố "những phần tử ở Pakistan" phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên Pakistan - quốc gia từng qua hai cuộc chiến tranh với láng giềng Ấn Độ - đã nhanh chóng bác bỏ mọi mối liên quan đến vụ khủng bố. Tổng thống Zardari cam kết sẽ hành động nhanh chóng để có thể lôi những kẻ dính líu tới cuộc tấn công ra ánh sáng. Tổng thống Mỹ George Bush đã cẻ Ngoại trưởng C. Rice tới Ấn Độ, sau khi vụ khủng bố xảy ra.
Sau 60 giờ chiến đấu, đến chiều hôm thứ sáu vừa rồi, đặc nhiệm Ấn Độ đã truy quét hết những tên khủng bố cuối cùng, giải cứu hàng chục con tin, có cả người còn sống và những người xấu số thiệt mạng. Thương vong của thường dân sau ba ngày giao tranh lên đến 195 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Vụ tấn công đẫm máu nhằm vào thủ đô tài chính Ấn Độ bắt đầu từ rạng sáng 26/11. Nhiều tay súng đã đồng loạt nã đạn ở hai khách sạn lớn, một nhà ga, bệnh viện, quán ăn và trung tâm Do Thái giáo ở Mumbai. Chúng cố thủ trong các tòa nhà, bắt giữ con tin và chống trả lực lượng an ninh Ấn Độ.
Những kẻ khủng bố dường như đã chuẩn bị rất kỹ càng và nghiên cứu kỹ đường đi lối lại của các mục tiêu. Chúng có đủ hỏa lực để giết chết 5.000 người và không hề đưa ra yêu sách để thả con tin.
Sau vụ việc này, Ấn Độ đang cân nhắc việc thành lập một cơ quan đặc biệt chống khủng bố.
T. Huyền (theo AFP, BBC)