-
15h15
Xử lý dứt điểm vướng mắc tại các dự án BOT trong 2022
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tổng kết có 48 đại biểu đăng ký, trong đó 30 đại biểu chất vấn. Còn 8 đại biểu đăng ký nhưng không đủ thời gian nên đề nghị gửi câu hỏi bằng văn bản.
Ông đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ở cương vị ngành giao thông vận tải từ nhiệm kỳ khóa trước, dày dạn kinh nghiệm nghị trường, nắm chắc ngành, trả lời thẳng thắn câu hỏi của đại biểu.
Nhận xét về ngành giao thông, ông Huệ cho rằng ngoài những kết quả đạt được cũng còn nhiều tồn tại trong chuẩn bị, thực hiện đầu tư và khai thác quản lý vận hành các dự án giao thông. Phần lớn dự án giao thông dùng ngân sách chậm tiến độ; đấu thầu chọn nhà đầu tư kéo dài.
Nhiều công nghệ giải pháp thi công mới được ứng dụng trong giao thông vận tải, nhưng chưa có định mức, đơn giá ban hành kịp thời nên gây khó khăn trong quản lý chi phí đầu tư, thẩm định thiết kế kỹ thuật khi có thay đổi. Một số công trình giao thông còn xảy ra sự cố, xuống cấp sau một thời gian sử dụng, như dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nứt dầm trụ P28-29 cầu Vàm Cống...
Ngoài ra, các dự án giao thông quan trọng thường chậm tiến độ 2-3 năm, làm tăng mức đầu tư 1,5-2 lần, làm giảm hiệu quả đầu tư, theo Kiểm toán Nhà nước. Vai trò, trách nhiệm tư vấn giám sát chưa được coi trọng...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm người đứng đàu trong từng khâu, vị trí; kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực... Bộ và các địa phương cần giải quyết khó khăn nguồn nguyên vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông; công bố giá, chỉ số giá loại vật liệu xây dựng; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá, trục lợi; giải quyết dứt điểm tồn tại về dự án BOT thu phí trong năm 2022; phấn đấu năm nay hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng.
-
15h10
Cả nước đang triển khai gần 2.000 km cao tốc
Báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Văn Thành biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5.000 km.
Bộ Chính trị đã xác định tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 phải được hoàn thành, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai dự án này. Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội bố trí cho cao tốc.
Theo Phó thủ tướng, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào các dự án lớn sau: Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 654 km; tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729 km. Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này 5 tuyến cao tốc dài 549 km. Như vậy, tổng chiều dài toàn bộ tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932 km; tới nay đã hoàn thành 1.290 km.
Về tiến độ triển khai cụ thể các dự án, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654 km, đã khởi công rải rác trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023.
Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729 km được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1 vừa qua, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù, toàn bộ 729 km sẽ khởi công vào năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Các tuyến còn lại, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công tháng 6 năm 2023 nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026.
Vành đai 3 TP HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6 năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
-
15h05
Cả nước có 48 nhà thầu đủ năng lực làm cao tốc
Trả lời phần chất vấn của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Thể nói có 48 nhà thầu từng làm công trình giao thông cấp 1 (làm được cao tốc), có thể đảm nhận dự án từ 1.000 tới 5.000 tỷ đồng. Trong đó có 2 nhà thầu có thể làm dự án hơn 5.000 tỷ đồng. "Với lực lượng đông đảo như vậy, chúng ta có thể đấu thầu lựa chọn nhà thầu", ông Thể khẳng định.
Ông nói thêm, trong quá trình triển khai, không phải nhà thầu chính sẽ làm 100% mà thường thuê 30% để nhà thầu nhỏ tham gia cùng. Vì vậy có hàng trăm nhà thầu nhỏ có thể tham gia cùng 48 nhà thầu lớn này.
-
14h55
Vì sao nhà đầu tư không mặn mà với BOT?
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỏi vì sao hiện nay nhà đầu tư không mặn mà với các dự án BOT, nhất là lĩnh vực cầu đường? Ông cũng đề nghị Bộ trưởng Giao thông nói rõ bao nhiêu % hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia tới 12/2025 thì được coi là "cơ bản hoàn thành"?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhắc lại sự khác nhau giữa dự án BOT trước đây khi thực hiện theo Nghị định 108 và hiện nay (dự án BOT theo hình thức PPP). Các dự án PPP hiện nay làm trên đường song hành, tuyến cao tốc. Còn BOT trước đây thực hiện trên đường hiện hữu, theo Nghị định 108 nên có một số vướng mắc, nhà đầu tư bức xúc.
Thực tế các bức xức chủ yếu là nhà đầu tư, ngân hàng lo ngại nợ xấu, hụt doanh thu. "Chúng ta cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đó có quyền lợi nhà đầu tư, ngân hàng có liên quan. Bộ Giao thông sẽ cố gắng cùng các bộ, ngành rà soát kỹ, nhưng cũng cần nguồn lực để xử lý dứt điểm vấn đề này", ông nói.
-
14h40
Có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án giao thông lớn?
Đại biểu Lê Hoàng Anh nhắc lại lời Bộ trưởng nói rằng các dự án lớn mới chậm tiến độ và hiện chưa khắc phục được. Tuy nhiên, Bộ lại trình 5 dự án lớn tiếp theo, nếu thời gian tới cùng lúc có 9 dự án thực hiện thì khả năng chậm tiến độ là hiện hữu. Trong khi Luật đầu tư công quy định thời hạn cho các loại dự án.
"Đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết hiện có bao nhiêu nhà thầu thi công đủ năng lực thực hiện dự án này? Có bao nhiêu máy móc cùng thi công 9 dự án trên? Nếu không đảm bảo tiến độ thì trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào?", ông Hoàng Anh chất vấn.
Ông cũng cho biết, trong giải trình tiếp thu của Chính phủ khi thảo luận dự án đường Hồ Chí Minh có nói Quốc hội có một phần trách nhiệm trong giám sát vốn. Tuy nhiên, tài liệu của Thư viện Quốc hội cho thấy Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường đeo bám vấn đề này rất quyết liệt. "Vậy việc cho rằng trách nhiệm có một phần của Quốc hội là quan điểm của Bộ trưởng hay của Chính phủ?", ông đặt câu hỏi.
-
14h35
'Số liệu kiểm toán chưa đúng bản chất'
Tham gia tranh luận với Bộ trưởng Thể về vấn đề BOT, đại biểu Lê Minh Nam nói, Bộ trưởng có nêu khó khăn khi làm dự án theo hình thức PPP; dự án BOT triển khai chưa đảm bảo phương án tài chính nên phải xử lý bằng cơ chế riêng; việc tăng giảm thu phí tại một số sự án.
Nhưng thống kê của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho thấy, qua kiểm soát 83 dự án BOT và BT, cơ quan này đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu với các dự án là 302 năm. Trong đó, có dự án giảm thời gian thu phí lên đến 10 năm.
Điều có chứng tỏ có khó khăn trong việc giám sát quy trình thực hiện các dự án BOT để đảm bảo dự án triển khai đạt hiệu quả. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm thực trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "phải nghiên cứu thật kỹ vấn đề này". Dự án BOT khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định của Chính phủ, việc đấu thầu dự án là khi dự án đầu tư được duyệt, chưa phải là thiết kế kỹ thuật được duyệt, chưa phải dự toán được duyệt. Dự án đầu tư có nghiên cứu, có phần dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá...
Theo ông Thể, theo quy định hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc, ký hợp đồng theo dự án được duyệt. Trong hợp đồng có đưa điều khoản, sau khi dự án hoàn thành, căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án thì Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án được triển khai.
"Vì vậy chúng ta có hai con số, con số kiểm toán nêu ra, chúng tôi đã báo cáo là số liệu này đúng, nhưng chưa đúng bản chất, bởi chỉ đúng theo hợp đồng nguyên tắc, khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng. Chứ nếu Bộ Giao thông Vận tải mà ký hợp đồng như thế thì chắc chắn anh em Bộ chúng tôi không thể ngồi ở đây. Không thể làm sai như thế được", ông Thể phân tích.
Con số thứ hai, theo ông Thể là từng dự án BOT, sau khi hoàn thành, được kiểm toán, quyết toán và ký hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí. Nên số liệu kiểm toán và số liệu chúng tôi ký là không khác nhau mà chỉ khác với hợp đồng nguyên tắc. "Chứ không thể làm sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng được", ông Thể tái khẳng định và đề nghị đại biểu kiểm tra lại thông tin.
-
14h20
'Ngành giao thông giờ không ai dám làm sai'
Đinh Ngọc Minh đặt vấn đề, hiện cả nước dồn sức làm cao tốc, nhưng chất lượng đường vừa qua đặt ra nhiều vấn đề. Nguyên nhân là thiết kế, thi công hay giám sát?
Ông cũng cho rằng, để giảm tải đường bộ thì phải phát triển đường sắt. Nhưng đường sắt chỉ chiếm 0,2% thị phần hành khách, 1,2% thị phần vận tải. "Hướng cơ cấu lại ngành đường sắt thế nào?", ông hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng cao tốc chất lượng kém thường rơi vào đường cấp thấp. Còn đường chất lượng cao "có nhưng không tới mức dự án cao tốc nào cũng không đảm bảo chất lượng". Xây dựng cơ bản hiện nay phải làm thật tốt, dự án cao tốc hiện nay và sắp tới sẽ bám theo các tiêu chí này.
Ông nhắc lại các khâu thanh, kiểm tra trong quá trình thi công, xây dựng cao tốc hiện khá chặt chẽ, ngoài thanh tra ngành giao thông còn có sự tham gia của công an, thanh tra Chính phủ để hạn chế những vấn đề nhạy cảm.
"Ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai. Ký tá cũng cân đong đo đếm, đảm bảo quy định pháp luật", Bộ trưởng Thể khẳng định.
Về định hướng phát triển đường sắt, Bộ trưởng Thể cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thẩm định dự án đường sắt Bắc Nam tốc độ cao. Kế hoạch là sẽ báo cáo Bộ Chính trị và phấn đấu trong nhiệm kỳ này báo cáo Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Khi có chủ trương đầu tư còn lập dự án đầu tư, 3-4 năm sau mới có thể triển khai.
Hệ thống đường sắt hiện hữu sẽ định hướng thành vận chuyển hàng hoá, kết nối xuống các cảng cùng đường biển. Còn đường sắt Bắc Nam tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách để đảm bảo giao thông Bắc Nam thông suốt, nhất là vào dịp lễ Tết.
-
14h10
Giao thông 'ba không' ở miền núi phía Bắc
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu hiện trạng giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Bắc Kạn là "ba không": Không có đường sắt, không có đường thủy và không có đường hàng không nên chỉ trông chờ duy nhất vào đường bộ.
"Sáng nay Bộ trưởng nói một số địa phương vùng khó khăn thì dự án giao thông sẽ chậm một chút. Vậy dự án cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn bao giờ sẽ tổ chức thực hiện", bà Thủy chất vấn.
Bộ trưởng Thể cho biết có những dự án quy mô lớn thì báo cáo Chính phủ, còn dự án nhóm A dưới 10.000 tỷ đồng thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo luật đầu tư công. Dự án Chợ Mới - Bắc Kạn đã được Chính phủ đề xuất và Quốc hội chấp thuận, hiện đã có vốn và Ban quản lý dự án 2 của Bộ Giao thông đang hoàn chỉnh thủ tục để bàn giao mặt bằng cho tỉnh Bắc Kạn, sau đó triển khai.
Với kế hoạch 4 của nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông sẽ cùng địa phương hoàn thành dự án vì nguồn vốn đã được bố trí đầy đủ. "Quá trình triển khai mong đoàn đại biểu Quốc hội và địa phương hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng vì khu vực miền núi địa hình phức tạp, nếu không có mặt bằng sớm, có những vị trí phải xử lý nền đất yếu, làm không kịp", ông Thể nói.
-
14h05
'Ngành giao thông không có tư duy nhiệm kỳ'
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai hỏi, trước áp lực về tiến độ và chất lượng các công trình giao thông, với các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép, Bộ có cam kết giải ngân số vốn 50.000 tỷ đồng của giai đoạn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hay không?
Một số công trình xây dựng của Việt Nam còn mang tư duy nhiệm kỳ, nhất là khâu lập, thẩm định, sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án. Tình trạng tư duy nhiệm kỳ có tồn tại ở lĩnh vực giao thông hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, tất cả danh mục đăng ký đầu tư đều được rà soát kỹ. Hơn nữa hai năm qua, mỗi năm Bộ giải ngân được 95-95% vốn đầu tư công. Số còn lại chưa giải ngân được đều do yếu tố bất khả kháng là khó khăn về giải phóng mặt bằng, thời tiết, khí hậu bất thường... Vì vậy, Bộ sẽ tích cực chỉ đạo để không gây lãng phí do không giải ngân được vốn.
Ông Thể cũng khẳng định "ngành giao thông không có tư duy nhiệm kỳ". Tất cả quốc lộ, cao tốc đều nằm trong quy hoạch, được định hướng nhiều chục năm, chứ không phải bộc phát đưa vào. Các dự án lớn thường nằm trong các Nghị quyết đại hội Đảng, Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển vùng. "Những căn cứ này đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Dù có thông tin người ta nêu là có tư duy nhiệm kỳ, nhưng ngành giao thông là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính liên vùng đột phá, nên không có tư duy nhiệm kỳ", ông nói.
Đồng thời, ông Thể cũng nói thêm các dự án giao thông được Bộ tham mưu Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội. Quốc hội rà soát bấm nút thông qua và cũng giám sát cuối cùng về các dự án.
-
14h00
Chiều nay, thời gian chất vấn và trả lời nhóm nội dung liên quan đến giao thông là 80 phút. Sau đó, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh sẽ đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu.